Kỷ niệm 5 năm cuộc chiến Iraq

Cách nay 5 năm, vào ngày 20 tháng 3 năm 2003, các lực lượng do Hoa Kỳ đứng đầu đã tấn công Iraq để lật đổ chế độ độc tài mà Tổng Thống Bush của Hoa Kỳ tố giác đang chế vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt. Không có thứ vũ khí nào loại này được phát hiện. Từ đó đến nay, cuộc chiến chống lại quân nổi dậy vẫn tiếp tục cho dù Hoa Kỳ đã đưa thêm quân tăng viện để giúp giảm bớt mức độ bạo động. Nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến tranh Iraq, Thông Tín Viên đài VOA Bill Rodgers duyệt lại một số sự kiện và nhận xét.

Tiếng súng ở Iraq vẫn còn vang dội và cho đến giờ này, dù 5 năm đã trôi qua, quân đội Hoa Kỳ vẫn phải giao chiến với quân nổi dậy.

Một đạo quân khoảng 300,000 người do Hoa Kỳ đứng đầu đã mở cuộc tấn công Iraq vào sáng sớm ngày 20 tháng 3 năm 2003. Mục tiêu là lật đổ chế độ độc tài của Saddam Hussein, bị Hoa Kỳ và các đồng minh tố giác là có và đang tích cực chế tạo vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt.

Vào những ngày trước khi mở cuộc tấn công, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ bấy giờ là ông Colin Powell đã biện minh trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về lý do cần tấn công Iraq. Ông đã trưng ra những bức không ảnh cho thấy có những địa điểm được xem là những vị trí có vũ khí hóa học và những phòng thí nghiệm cơ động dùng để chế vũ khí hóa học.

Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã nói như sau: "Thưa quí vị, đây là những cơ sở hiện đại. Ví dụ, các cơ sở này có thể chế chất độc anthrax và botulinum, chúng có thể sản xuất đủ tác nhân sinh học để giết hại hàng vạn người."

Cuộc tấn công do Hoa Kỳ đứng đầu đã hoàn thành được sứ mạng quan trọng, lật đổ được chế độ Saddam Hussein. 9 tháng sau đó, nhà độc tài này đã bị bắt và đã bị hành quyết vào năm 2006 sau một vụ xử kéo dài nhiều ngày.

Nhưng không một món vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt nào được phát hiện, mặc dù binh sĩ Hoa Kỳ và nhiều toán chuyên viên vũ khí đã lục soát khắp Iraq. Đến năm 2004, rõ ràng là tất cả những thứ vũ khí loại này mà Saddam Hussein làm chủ, đã bị phá hủy trong thập niên 1990.

Trong khi đó, cuộc nổi dậy chủ yếu do người Hồi giáo Sunni phát động ngày càng lớn mạnh, hậu quả là quân đội Mỹ gặp những tổn thất nặng, do các vụ nổ bom cài bên đường và những vụ tấn công dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Thường dân người Iraq, nhất là người Hồi giáo Shia cũng trở thành mục tiêu bị tấn công và nhiều người đã bị giết.

Ông Anthony Cordesman, chuyên viên quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói rằng chính phủ của Tổng Thống Bush lúc bấy giờ không chuẩn bị đầy đủ để đối phó với hậu quả chiến tranh.

Ông Cordesman nói: "Người Mỹ chúng ta có chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lật đổ chế độ Saddam Hussein và đánh bại đạo quân qui ước của Iraq. Chúng ta mang ảo tưởng là không cần những hoạt động ổn định và tái thiết. Chúng ta thiếu chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra, chúng ta không tạo ra những điều kiện giúp ổn định."

Mặc dù đã có bầu cử tự do và thành lập chính quyền đại diện cho nhiều thành phần, tình hình bất ổn tại Iraq ngày càng tăng.

Số thương vong của thường dân leo thang vì những chiếc xe bom và các hình thức tấn công khác do các dân quân người Sunni và người Shia gây ra. Người của al-Qaida cũng thực hiện nhiều vụ đánh bom tại Iraq nhằm khuyến khích các vụ bạo động vì phe phái. Vào năm 2006, Iraq đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến.

Qua đến đầu năm 2007, Tổng Thống Bush đưa thêm 30,000 quân đến Iraq để trấn áp bạo động. Việc tăng quân số, đi kèm với những chiến thuật mới, ví dụ như giữ đất sau khi đánh đuổi quân nổi dậy, đã mang lại kết quả là tình hình nhiều nơi ở thủ đô Baghdad và nhiều tỉnh của Iraq đã bắt đầu yên tĩnh. Số thường dân thiệt mạng đã giảm 70% so với một năm trước đó. Quân đội Hoa Kỳ nói rằng trong tỉnh Anbar, một tỉnh có thời được xem là có nhiều bạo động, mỗi tuần bây giờ có chưa tới 20 vụ bạo động, so với trên 300 vụ trong tháng 10 năm 2006.

Một trong những lý do đưa đến tình hình bạo động giảm sút, là nhiều tay súng người Sunni quay sang chống lại al-Qaida và đang giúp đỡ các lực lượng Hoa Kỳ duy trì an ninh.

Về mặt này, chuyên viên Cordesman có một nhận xét: "Người Mỹ chúng ta tập trung vào cuộc nổi dậy tự phát chống lại al-Qaida. Tình hình này cho phép chúng ta lập ra lực lượng “Những đứa con của Iraq”, một lực lượng bây giờ đếm được khoảng 90 ngàn người, tức là gấp 3 lần lực lượng tăng viện của chúng ta. Có thể nói rằng al-Qaida đã có công tất lớn đối với chúng ta. Tôi nghĩ chúng ta cần cảm ơn kẻ thù của chúng ta. Họ đã tự đánh mất uy tín đối với các nhóm bộ tộc và người Sunni; họ đã khiến cho những người trước đây là quân nổi dậy bây giờ trở thành người hợp tác với binh sĩ Hoa Kỳ. Điều khá lạ lùng là một trong những đồng minh lớn nhất của chúng ta đã tạo ra tình cảnh này, lại chính là kẻ thù của chúng ta."

Đại tướng David Petraeus, Tư lệnh các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ tại Iraq là người đã yêu cầu đưa thêm quân, nhưng trong một buổi phỏng vấn với đài VOA, ông tỏ vẻ dè dặt khi nói về sự thành công của chuyện tăng quân.

Tướng Petraeus nói: "Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng về mặt an ninh, việc tăng quân số đã đạt một số tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, tôi nghĩ là không nên dùng đến từ 'thành công' hoặc 'thắng lợi' hoặc những từ tương tự như thế."

Sau đó, ông nói với báo Washington Post rằng chính phủ Iraq đã không đạt tiến bộ đầy đủ về mặt hòa giải giữa các thành phần trong nước và về mặt cung ứng các dịch vụ công cộng cơ bản cho người dân. Một trong những mục tiêu của chuyện tăng quân số là làm giảm mức bạo động để chính phủ do người Shia chiếm đa số có thể nắm bắt cơ hội, thực hiện những chuyện vừa kể.

Đại tướng Petraeus nói với đài VOA rằng vẫn còn nhiều việc cần làm.

Tướng Petraeus nói: "Ở đây chẳng có cái gì gọi là dễ dàng cả. Tiến bộ rất khó đạt, và rất khó tồn tại lâu dài để xây dựng. Đã có tiến bộ, chúng tôi cố xây dựng dựa trên tiến bộ đó, cố gắng củng cố một số thuận lợi, bởi vì cho đến giờ này các thuận lợi đó yếu kém và mong manh. Điều cần bây giờ là hòa giải chính trị quốc gia, giải quyết những vấn đề chính trị quốc gia."

Chiến tranh Iraq bây giờ là cuộc chiến lâu thứ nhì trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ. Số binh sĩ thiệt mạng tính đến giờ là gần 4 ngàn người và đa số người Mỹ bây giờ nhận định rằng cuộc chiến đó là một nhầm lẫn. Nhưng Tổng Thống Bush lại nghĩ cách khác.

Tổng thống Bush nói: "Quyết định lật đổ Saddam Hussein là một quyết định đúng trong nhiệm kỳ Tổng Thống của tôi trước đây. Quyết định đó vẫn đúng trong nhiệm kỳ Tổng Thống của tôi bây giờ và nó sẽ mãi mãi là một quyết định đúng."

Tổng Thống Bush nói tiếp: nước Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với Iraq. Nhưng trước tình hình người Mỹ vẫn còn ngã gục, ngày càng có nhiều áp lực để sớm chấm dứt chiến tranh.