Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế

Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đang sống lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma, và chính phủ của ông ở Ấn Độ vừa lên tiếng yêu cầu cộng đồng quốc tế thực hiện một cuộc điều tra về những vụ biểu tình phản kháng đang tiếp diễn ở Tây Tạng. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Anjana Parischa của đài VOA gởi về từ New Dehli.

Chính phủ lưu vong Tây Tạng, đặt bản doanh tại thành phố Dharamsala ở miền bắc Ấn Độ, cho biết họ muốn cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Quốc phái các toán nhân viên tới Tây Tạng để xác định xem nguyên do nào đã làm bùng ra những vụ biểu tình và những hành động phản kháng này đã diễn ra như thế nào.

Chính phủ ở Bắc Kinh tố cáo rằng thủ phạm gây ra bạo động ở Tây Tạng là những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Phát ngôn viên Thubten Samphen của chính phủ lưu vong Tây Tạng đã bác bỏ tố cáo vừa kể và nói thêm như sau.

Ông Samphel nói: "Chính phủ Trung Quốc tố cáo rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ mưu những vụ biểu tình. Vì có những quan điểm khác nhau như vậy, cho nên Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng một cơ quan nào đó của Liên Hiệp Quốc có thể đến thăm Tây Tạng để tìm hiểm sự thật, để điều tra xem có phải những cuộc biểu tình này là do những người bên ngoài xúi giục hay không và những mối quan tâm thực sự của người tây Tạng là gì."

Các giới chức của chính phủ ở Dharamsala cho hay: dựa theo những thông tin mà họ thu thập được từ Tây Tạng, khoảng 80 người đã thiệt mạng trong vụ rối loạn mới đây ở Lhasa và vùng phụ cận. Trung Quốc thì nói rằng số tử vong thấp hơn nhiều so với con số vừa kể.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trốn khỏi Tây Tạng năm 1959 sau cuộc khởi nghĩa bất thành để chống lại sự cai trị của Trung Quốc. Ông nói rằng những cuộc biểu tình phản kháng mới đây của người Tây Tạng là một 'cuộc vận động của nhân dân'.

Lâu nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn cổ xướng cho tinh thần tranh đấu bất bạo động và nhiều lần tuyên bố rằng việc tiến hành một cuộc đối thoại với giới hữu trách Trung Quốc là phương cách tốt nhất để ông đạt được mục tiêu của mình là giành quyền tự trị cho Tây Tạng.

Hôm qua, vị tu sĩ đoạt giải Nobel Hòa bình này nói rằng ông vẫn nhất quyết đi theo đường lối vừa kể. Mặc dù vậy, ông cũng cho biết rằng ông sẽ không ra lệnh chấm dứt những cuộc biểu tình.

Trong khi đó, các cộng đồng của người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ và Nepal hôm nay lại thực hiện thêm các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Tại New Dehli, những người biểu tình tụ họp bên ngoài trụ sở của văn phòng Liên Hiệp Quốc. Tại Kathmandu, cảnh sát đã xô xát với những người biểu tình bên ngoài trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở thủ đô của Nepal.

Những người Tây Tạng lưu vong đã tổ chức những cuộc biểu tình ở nước ngoài để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với điều mà họ cho là những hành vi chà đạp nhân quyền một cách thô bạo của Trung Quốc trên quê hương của họ. Bắc Kinh thường xuyên phủ nhận cáo giác đàn áp ở Tây Tạng, phần đất mà họ đã nắm quyền kiểm soát từ năm 1951.