Bạo động xảy ra hôm nay ở thủ đô Lhasa của Tây Tạng và những đám cháy đã bùng ra ở trung tâm thành phố giữa lúc có những vụ biểu tình từ đầu tuần này để chống lại quyền cai trị của Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA tường thuật rằng những vụ xuống đường hiếm khi xảy ra ở Tây Tạng dường như đang leo thang cường độ.
Những người mục kích sự việc cho biết hỏa hoạn đã xảy ra tại ít nhất một ngôi chợ trên đường Barkor ở Lhasa, gần tu viện Jokhang mà những người Phật giáo Tây Tạng xem là một trong các địa điểm thiêng liêng nhất. Nhiều chiếc xe hơi cũng đã bị đốt. Tân Hoa Xã cho biết bạo động đã gây thương tích cho một số người.
Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã gởi e-mail để khuyến cáo các công dân Mỹ tránh tới Lhasa vì có những vụ nổ súng và những vụ bạo động khác. Những mối căng thẳng ở thủ đô Tây Tạng đã gia tăng từ vài ngày qua trong lúc hàng ngàn binh sĩ và cảnh sát phong tỏa 3 tu viện lớn nhất ở thành phố này.
Cuộc biểu tình lớn nhất Tây Tạng trong vòng gần 20 năm đã bắt đầu hôm thứ hai, khi các nhà sư tìm cách thực hiện một cuộc tuần hành để đánh dấu kỷ niệm năm thứ 49 ngày khởi nghĩa bất thành để chống lại sự cai trị của Trung Quốc.
Ông Jan Willem den Besten, một giới chức của Phong trào Quốc tế cho Tây Tạng ở Âu Châu, cho rằng vụ bạo động này có thể là một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng của người Tây Tạng đối với Trung Quốc.
Ông Besten nói: "Điều này phản ánh sự chán ngán của người dân và cũng cho thấy rằng dân chúng ở đây hiểu được rằng mọi cặp mắt trên thế giới đang đổ dồn về Trung Quốc trong lúc sắp đến ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh. Vì vậy, dân chúng nhân cơ hội này để bày tỏ sự bất mãn về tình hình Tây Tạng, là nơi nằm dươí sự kiểm soát vô cùng nghiêm nhặt trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong 10 năm gần đây."
Ông den Besten nói thêm rằng những cuộc biểu tình phản kháng còn có một mục tiêu khác là chứng tỏ cho thế giới thấy rằng cuộc vận động đòi tự trị của Tây Tạng không hề bị suy tàn. Tuy nhiên, ông tỏ ý lo ngại về phản ứng của Trung Quốc.
Ông Besten nói: "Có điều rất rõ ràng là chúng tôi vô cùng lo ngại về việc những người biểu tình sẽ bị đàn áp thô bạo. Tôi cũng phải thừa nhận rằng trong vài năm qua phản ứng của cảnh sát Trung Quốc tương đối hòa hoãn. Hiện giờ thì chúng tôi rất lo ngại về việc mức độ trấn áp sẽ gia tăng."
Hồi đầu tuần này, phát ngôn viên Tần Cương của bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng cuộc tuần hành hôm thứ hai của các nhà sư Tây Tạng là một hành động bất hợp pháp.
Theo lời ông Tần Cương, nhân viên công lực và nhân viên tư pháp sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh lâu nay vẫn nhất mực cho rằng Tây Tạng là lãnh thổ bất khả phân của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người Tây Tạng nói rằng phần đất vùng Hi Mã Lạp Sơn này đã ở trong tình trạng hầu như độc lập hoàn toàn trong nhiều thế kỷ. Họ cũng tố cáo rằng Trung Quốc âm mưu hủy diệt nền văn hóa của Tây Tạng.
Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu sống lưu vong sau cuộc khởi nghĩa bất thành hồi năm 1959. Trong những năm gần đây ông đã tìm cách điều đình với giới hữu trách Trung Quốc để giành quyền tự trị cho Tây Tạng.