Hồi đầu tuần này, cảnh sát Ấn Độ đã bắt khoảng 100 người Tây Tạng sống lưu vong sau khi những người này bắt đầu một cuộc tuần hành phản đối từ Ấn Độ về quê hương của họ. Cuộc tuần hành này là một phần của một chiến dịch trên toàn thế giới do các nhà hoạt động Tây Tạng tổ chức trước khi diễn ra các cuộc tranh tài Thế vận hội Bắc Kinh, để làm nổi bật cuộc đấu tranh của họ đòi tự do cho Tây Tạng thoát khỏi ách cai trị của Trung Quốc. Phái viên Anjana Pasricha của đài VOA từ thủ đô New Delhi gởi về bài tường trình sau đây.
Các nhà hoạt động Tây Tạng đã đi được khoảng 50 cây số trong cuộc hành trình để đến Tây Tạng thì bị cảnh sát bắt và đưa lên những chiếc xe van để chở đi vào sáng sớm hôm nay, tại thị trấn Dehra trong bang Himachal Pradesh. Chủ tịch Đại hội Thanh niên Tây Tạng, ông Tsewang Rigzin nói rằng cuộc tuần hành bị chặn lại, chỉ vài ngày sau khi bắt đầu là một sự thoái bộ.
Ôn Rizin nói: “Chúng tôi rất thất vọng khi cảnh sát Ấn Độ đến chận đứng những người tuần hành của chúng tôi vào lúc 6giờ 40 phút sáng nay. Khi cảnh sát đến chặn chúng tôi, thì tất cả mọi người tham gia cuộc tuần hành đều ngồi xuống đường. Họ chỉ cầu nguyện và không chịu đi đâu hết. Cảnh sát đến và dùng vũ lực để bắt tất cả những người tham gia cuộc tuần hành và đưa họ lên một chiếc xe buýt.”
Cảnh sát Ấn Độ đã cấm cuộc tuần hành ngay sau khi kế hoạch phản đối này được bắt đầu hôm thứ hai. Lệnh cấm này đã nhiều người dự kiến. New Delhi đã cung cấp nơi trú ngụ cho hàng trăm ngàn người Tây Tạng sống lưu vong, nhưng không cho phép họ tổ chức các cuộc biểu tình công khai chống Trung Quốc.Ông Rizin là một trong những người tổ chức cuộc tuần hành nói rằng đây là một cuộc biểu tình ôn hoà và lẽ ra phải được phép cho tiến hành.
Ông Rizin nói: “Chúng tôi đã nói với tất cả mọi người rằng cuộc tuần hành của chúng tôi đến Tây Tạng là hoàn toàn bất bạo động. Chúng tôi không gây ra bất cứ vấn đề gì cho bất cứ ai. Chúng tôi chỉ là một nhóm gồm các nhà sư yêu chuộng hòa bình cùng với một số tín đồ. Chúng tôi chỉ đi bộ dọc đường và chúng tôi không vi phạm điều gì cả. Vì vậy, cuộc tuần hành nên được phép tiến hành.”
Các nhà hoạt động Tây Tạng nói rằng việc bắt giữ những người tuần hành là trở ngại lớn đầu tiên cho cuộc biểu tình của họ. Họ tuyên bố sẽ nhất quyết tìm cách đến Lhasa ở Tây Tạng trong vòng 6 tháng. Cuộc tuần hành được goị là 'Trường Chinh' này là một trong số những cuộc vận động do các nhóm người Tây Tạng sống lưu vong tổ chức, trước khi Thế vận hội Bắc kinh diễn ra vào tháng 8 tới đây, để kêu gọi sự chú ý đến cuộc đấu tranh đòi tự do cho quê hương của họ thoát khỏi tình trạng mà họ gọi là 'sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc'.
Trung Quốc nói rằng họ đã kiểm soát Tây Tạng kể từ năm 1951, và tuyên bố rằng đây là một phần lãnh thổ bất khả phân của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Ðức Đạt Lai Lạt Ma và những người Tây Tạng sống lưu vong cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở phần đất này.