Trung Quốc: Thà có bạn hơn 'lợi lộc' ở Châu Phi

Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng sự gia tăng hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Châu Phi bắt nguồn từ tình hữu nghị lâu dài. Ông Dương Khiết Trì đưa ra nhận định này ngày hôm nay trong một cuộc họp báo ở bên lề khóa họp thường niên của quốc hội Trung Quốc. Thông tín viên đài VOA, Stephanie Ho từ Bắc Kinh gởi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng Trung Quốc đã từng và sẽ tiếp tục là một người bạn cũ và tốt của nhân dân Châu Phi.

Để đáp lại những chỉ trích về chính sách không can thiệp tại các nước Châu Phi mà Trung Quốc tới đầu tư, ông Dương nói nguyên văn rằng, Trung Quốc thà là có bạn hơn là 'lợi lộc'.

Ông Dương Khiết Trì nói rằng Trung Quốc có nhiều bạn tại Châu Phi. Chúng tôi thành thật coi các nước Châu Phi là bạn bè. Chúng tôi theo đuổi một đường lối hợp tác chiến lược mới với các nước Châu Phi và công cuộc hợp tác này dựa trên cách đối xử thành hật, hữu nghị, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau và phát triển chung.

Vào cuối năm 2006, tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc tại Châu Phi đã lên tới 12 tỉ đô la. Số vốn này được đầu tư vào nhiều lãnh vực như dầu hỏa, phát triển tài nguyên, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Ông Dương Khiết Trì nói rằng, Trung Quốc muốn có được tài nguyên của Châu Phi nhưng cũng muốn giúp các nước Châu Phi tự cải thiện.

Ông Dương Khiết Trì nói rằng, các nước Châu Phi có quyền biến những lợi thế về tài nguyên của họ thành phát triển, và biến những nguồn lợi tiềm tàng của họ thành lợi lộc hiện thực qua công cuộc phát triển.

Một thí dụ về chính sách của Trung Quốc đối với Châu Phi là Sudan, một quốc gia mà Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ. Trung Quốc là nước đầu tư nước ngoài nhiều nhất tại Sudan và là nước lớn nhất tiêu thụ lượng dầu hỏa xuất khẩu của Sudan. Bộ Trưởng ngoại giao Dương Khiết Trì nêu lên những hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại Sudan như là một trong số những yếu tố thúc đẩy cho những tăng trưởng kinh tế mạnh mới đây tại một số quốc gia Châu Phi.

Trong khi đó, các nhà hoạt động quốc tế đã tố cáo Trung Quốc là không gây đủ áp lực đối với chính phủ Khatoum để họ chấm dứt các vụ bạo động tại vùng Darfur bị chiến tranh tàn phá của Sudan. Những nhà hoạt động này đang tìm cách nối kết vấn đề Darfur với Thế Vận Hội Bắc Kinh sắp tới trong nỗ lực gây áp lực để Trung Quốc phải có hành động mạnh hơn đối với chính phủ Sudan hầu giải quyết cuộc khủng hoảng tại Darfur.

Theo ước tính, đã có 200,000 người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng Darfur, mà người ta quy trách nhiệm cho các tổ chức dân quân do chính phủ Sudan hậu thuẫn để đối phó với các phiến quân.