Tranh cãi ở Philippines về hiệp định khảo cứu địa chấn trong vùng quần đảo Trường Sa

Hiệp định khảo cứu chung về địa chấn trong vùng quần đảo Trường Sa mà Việt Nam, Trung Quốc và Philippines ký kết năm 2005 mới đây đã làm dấy lên những vụ tranh cãi ở Philippines giữa các giới chức chính phủ, các nhà lập pháp và chuyên gia pháp lý.

Theo bản tin hôm thứ tư của hãng tin ABS-CBN ở Philippines, một học giả về luật hiến pháp của Philippines - Linh mục Joaquin Bernas nói rằng chính phủ ở Manila phải tiết lộ chi tiết của hiệp định đã ký kết với Việt Nam và Trung Quốc sau khi một số các nhà lập pháp nói rằng hiệp định 3 bên này vi hiến.

Linh mục Bernas, Khoa trưởng Trường Luật Ateneo de Manila, là một trong những người soạn thảo bản hiến pháp năm 1987 của Philippines.

Ông nói với một đài phát thanh ở Philippines rằng Điều 3 của Hiến pháp 1987 có ghi rõ là công chúng được quyền có thông tin về những vấn đề liên quan tới lợi ích chung. Ông nói thêm rằng hiệp định ba bên là một vấn đề liên quan tới lợi ích chung và vì thế các thông tin trong văn kiện này cần phải được công khai.

Nhận định của chuyên gia hiến pháp này trái ngược với chủ trương của ông Sergio Apostol, Cố vấn trưởng của Tổng thống Philippines về pháp luật.

Hôm thứ tư, ông Apostol tuyên bố rằng chính phủ không thể tiết lộ mọi chi tiết của hiệp định vì đã đồng ý với Việt Nam và Trung Quốc là văn kiện này sẽ được bảo mật. Linh mục Bernas cho hay: dựa theo văn bản của hiệp định mà ông nhận được qua email, thỏa thuận này liên quan tới hoạt động thăm dò dầu khí, với sự hỗ trợ tài chánh và kỹ thuật của Trung Quốc.

Ông cho rằng thỏa thuận như vậy cần phải do tổng thống ký kết.

Một bài tường thuật của tuần báo Viễn Đông Kinh Tế cho rằng Philippines có thể đã làm yếu đi lập trường của mình trong việc đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa khi Tổng thống Gloria Arroyo chấp thuận Kế hoạch Khảo cứu Địa chấn Hỗn hợp - gọi tắt là JMSU, mà các công ty dầu khí quốc doanh của Việt Nam, Trung Quốc và Philippines đã ký kết.

Hiện chưa có tin gì về những vụ tranh cãi tương tự về phía Việt Nam và Trung Quốc đối với thỏa thuận ba bên. Tuy nhiên, vấn đề liên quan tới chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hồi gần đây đã dấy lên một phong trào chống đối khá mạnh mẽ của những người Việt Nam - ở trong và ngoài nước. Những người này cho rằng Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ của Việt Nam.