Khoảng 6 tháng nữa là Thế Vận Hội đầu tiên do Trung Quốc đăng cai sẽ diễn ra ở Bắc Kinh. Dân chúng ở đây đang ra sức dọn sạch thành phố để chuẩn bị cho đại hội thể thao lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, trong lúc thủ đô Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn trong vòng 7 năm qua, các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền nói rằng chính phủ vẫn chưa thực hiện những cam kết về nhân quyền mà họ đã đưa ra trong lúc vận động để đăng cai Olympics. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Sam Beattie của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Trong các ngày cuối tuần, lưu thông xe cộ trên con đường trước mặt Sân Vận động Quốc gia ở Bắc Kinh hầu như lúc nào cũng bị nghẽn vì dân chúng đổ xô đến đây để quay phim, chụp ảnh. Đối với nhiều người Trung Quốc, Vận động trường thường được gọi là 'Tổ Chim' này chính là biểu tượng của sự phát triển của đất nước.
Một người đàn ông họ Kim cho biết như sau về việc Trung Quốc tổ chức Olympics.
Ông Kim nói: "Kiến trúc này tự nó không có ý nghĩa đáng kể. Nhưng việc Trung Quốc tổ chức Olympics 2008 cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc và là dịp để chúng tôi phô bày 5 ngàn năm văn hiến của đất nước mình với cả thế giới."
Phó đô trưởng Bắc Kinh, ông Trần Cương, cho biết rằng: Trung Quốc sẽ chi tiêu khoảng 1 tỉ 800 triệu đô la để đăng cai Olympics; và trong số 31 địa điểm tranh tài, chỉ có Vận động trường Quốc gia là chưa hoàn tất.
Trong thời gian chờ đợi ngày khai mạc, kiến trúc 'Tổ Chim', với kinh phí xây dựng gần 500 triệu đô la, đã trở thành một biểu tượng chính trong chiến dịch quảng bá của giới hữu trách Trung Quốc. Họ nói rằng hình ảnh này nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng một xã hội hài hòa. Tuy nhiên, không phải mọi người ở Trung Quốc ai nấy cũng đều tán đồng ý kiến này.
Bà Ngãi Vi Vi, một trong các nghệ sĩ đã góp phần thiết kế vận động trường này cho biết ý kiến như sau:
"Điều này gởi đi những tín hiệu sai lạc cho thế giới và cho chính nhân dân Trung Quốc. Nó nói lên rằng Trung Quốc đang ở tại một thời điểm hoặc trong một tình huống vui vẻ tốt đẹp, nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu quí vị nhìn kỹ vào Trung Quốc, nếu quí vị đọc báo hàng ngày, quí vị sẽ thấy những vấn đề vô cùng to lớn chưa được giải quyết."
Trong số những vấn đề đó có vấn đề chà đạp nhân quyền và kiểm duyệt truyền thông. Tổ chức Ký giả không biên giới cho biết: Trung Quốc đã bỏ tù 51 người dùng internet để bày tỏ ý kiến bất đồng với chính phủ -- nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới; và riêng trong năm 2007, Trung Quốc đã đóng cửa hơn 2 ngàn 500 trang web.
Bà Corinna-Barbara Francis của Hội Ân xá Quốc tế nói rằng: vào năm 2001, Trung Quốc đã cam kết cải thiện nhân quyền trong lúc họ vận động để được đăng cai Olympics. Bà nói thêm rằng đây chính là lúc Trung Quốc thực hiện lời hứa.
Bà Francis nói: "Chúng tôi vẫn hy vọng là chính phủ Trung Quốc sẽ có những sự cải thiện để thế giới thấy được rằng họ đã quyết định đúng khi đồng ý cho Trung Quốc đăng cai Thế Vận Hội. Nhiều năm đã trôi qua nhưng chúng tôi chưa thấy có sự cải thiện nào cả. Có một điều cấp bách vào thời điểm này là Trung Quốc phải thực hiện những sự cải thiện về nhân quyền trước khi khai mạc Olympics."
Tuy nhiên, mỗi khi được hỏi về thành tích nhân quyền và những cam kết đã đưa ra trong lúc vận động để được đăng cai Olympics, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc nào cũng lập lại câu trả lời có tính chất khuôn mẫu, như phát biểu sau đây của phát ngôn viên Khương Du:
"Lập trường của chính phủ Trung Quốc đối với vấn đề này rất rõ ràng. Trung Quốc phản đối mưu toan chính trị hóa Olympics vì điều đó đi ngược với tinh thần và nguyên tắc của Olympics. Cộng đồng quốc tế cần phải chống lại những hoạt động gây trở ngại cho cuộc tranh tài Thế Vận."
Giờ đây Bắc Kinh chỉ còn khoảûng 6 tháng, không phải chỉ để chuẩn bị đón tiếp các vận động viên và du khách, mà còn để chuẩn bị cho sự quan sát tỉ mỉ của khoảng 20 ngàn nhà báo sẽ đến Trung Quốc từ khắp nơi trên khắp thế giới.