Bệnh mập phì đã trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu, ngay cả tại các quốc gia đang phát triển. Nhưng có dấu hiệu cho thấy là các loại nước uống đặc chế cho những người muốn giảm cân, và các loại thực phẩm được chế biến với các loại đường nhân tạo thay thế, dường như đã không giúp giảm sức ăn của một người. Một cuộc nghiên cứu mới được thực hiện có thể cung cấp một số chi tiết khả dĩ giúp ta giải thích tính vô hiệu quả của các loại đường nhân tạo, vốn được dùng để thay thế cho loại đường vẫn được dùng từ xưa tới nay.
Trong 4 thập kỷ qua, trong bối cảnh các thành phố ngày một phát triển lớn hơn và mức thu nhập của dân chúng trên khắp thế giới cũng tăng, thì chế độ ăn uống bình thường của dân chúng trên khắp thế giới đã tăng lên ít nhất 74 calori. Một cuộc nghiên cứu do Đại Học North Carolina ở Hoa Kỳ thực hiện, quy hiện tượng ấy cho việc gia tăng sử dụng đường và các loại đường thay thế khác. Trong cùng thời kỳ, mức tiêu thụ các loại thực phẩm không có đường thiên nhiên đã tăng gấp đôi.
Dù là gọi những loại đường thay thế là chất ngọt không có calori, chất ngọt nhân tạo, hoặc các loại đường thay thế, nhiều người trong chúng ta đều nghĩ rằng loại sản phẩm thay thế cho đường, cho ta cái vị ngon ngọt đó, cũng tốt như đường thật.
Thực tế cho thấy dường như chúng ta đã sai lầm, theo ý kiến của Giáo Sư Susan Swithers thuộc Đại Học Purdue tại thành phố Lafayette, bang Indiana.
Giáo Sư Swithers nói: "Chúng ta rất dễ bị thuyết phục rằng chỉ bằng cách tiêu thụ một thực phẩm ít calori thôi là chúng ta sẽ tự động giảm cân và số lượng lương thực chúng ta ăn cũng sẽ giảm. Các dữ kiện của chúng tôi chứng tỏ là trên thực tế, kết quả có thể đi ngược lại với điều chúng ta thường nghĩ."
Cuộc nghiên cứu tại Đại Học Purdue được thực hiện với hai nhóm chuột thí nghiệm. Một nhóm được cho ăn ya-ua có đường nhân tạo, và nhóm kia được cho ăn ya-ua với đường glucose, một chất ngọt thiên nhiên có nhiều calori. Kết quả là các con chuột tiêu thụ chất ngọt thay thế, hay nhân tạo, đã lên cân 20% nhiều hơn nhóm kia.
Các nhà nghiên cứu nói đường nhân tạo, theo cách nào đó, đã làm gián đoạn khả năng của cơ thể trong việc điều hòa hoặc hấp thụ lượng calori đã tiêu thụ. Kết quả là tiến trình chuyển hóa của cơ thể bị chậm lại, và không đốt nhiều calori như bình thường.
Giáo Sư Susan Swithers giải thích tiếp: "Khi người ta tiêu thụ một thức ăn ngọt không cung cấp số lượng calori cao như thường lệ, thì người ấy sẽ tự động tiêu thụ nhiều thực phẩm họ thường ăn hơn để bù cho số calori bị thiếu đó."
Các loại nước ngọt dùng đường nhân tạo chiếm một phần lớn trong chế độ ăn uống của người dân Mỹ. Một cố vấn y tế cho công nghiệp chế biến nước uống, ông John Foreyt, nói so sánh hành vi của loài chuột với hành vi của loài người là điều sai lầm.
Ông Foreyt phát biểu: "Suy cho cùng thì chúng ta không phải là loài chuột. Chúng ta không thể dùng kết quả của một cuộc nghiên cứu nơi loài chuột để suy diễn ra kết quả nghiên cứu đối với loài người."
Tuy vậy, một cuộc nghiên cứu thực hiện với con người hồi năm 2005 cũng đi đến những kết luận tương tự như cuộc nghiên cứu với loài chuột. Cuộc nghiên cứu này cho thấy những người uống nước ngọt dành cho người muốn giảm cân, lên ký nhiều hơn đến 41% so với những người uống các loại nước ngọt bình thường.
Các nhà nghiên cứu của Đại Học Purdue khuyến cáo rằng thay đổi thói quen sử dụng đường thiên nhiên sang sử dụng các loại đường nhân tạo thay thế, không phải là một giải pháp hữu hiệu, so với việc giảm bớt số lượng thực phẩm chúng ta tiêu thụ, và vận động cơ thể hay tập thể dục.