Cố vấn đặc biệt của ông Tổng thư ký LHQ về vấn đề Miến Điện là ông Ibrahim Gambari nói rằng ông trông đợi sẽ được trở lại nước này sớm hơn là trễ. Phái viên Stephanie Ho của đài VOA tường trình thêm một số chi tiết.
Đặc sứ Liên hiệp quốc Ibrahim Gambari cho biết ông hy vọng sẽ được trở lại Miến Điện trước tháng Tư, theo nguyên văn lời ông.
Ông Gambari nói: “Chắc quý vị còn nhớ là giới hữu trách Miến Điện đã từng cho biết họ sẽ tiếp tôi sau trung tuần tháng Tư, sau ngày 15 tháng Tư. Nhưng tôi có lý do để tin là họ đang cứu xét lại quyết định đó.”
Hôm nay, ông Gambari đã hoàn tất hai ngày họp với các giới chức Trung Quốc. Ông cho biết ông đã tham khảo ý kiến các giới chức nước này về phương cách tốt nhất để xúc tiến việc khuyến khích công cuộc cải cách chính trị ở Miến Điện.
Ông Gambari nói: “Chính phủ Trung Quốc đã giúp đỡ tôi rất nhiều để tôi đến được Miến Điện, kể cả việc khuyến khích giới hữu trách nước này tiếp tôi càng sớm càng tốt.”
Chuyến thăm Miến Điện gần đây nhất của ông Gambari là vào tháng 11 năm ngoái, vài tuần lễ sau khi chính phủ quân nhân nước này đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình đòi cải cách dân chủ và chính trị.
Ông Gambari nói rằng các kế hoạch mới của nhà cầm quyền Miến Điện về cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Năm về bản hiến pháp mới và về cuộc tổng tuyển cử vào năm 2010 là những bước đáng kể để tiến tới cuộc cải tổ dân chủ.
Tuy nhiên, ông Gambari cũng kêu gọi các tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện hãy bảo đảm là cuộc trưng cầu dân ý trung thực đối với người dân Miên điện, cũng như đối với cộng đồng quốc tế. Theo ông, đó là phải trả tự do cho các tù nhân chính trị, như bà Aung san Suu Kyi, lãnh tụ phe đối lập, người đã bị quản thúc tại gia trong nhiều năm. Ngoài ra, cũng theo ông Gambari, chính phủ cần phải cho phép công chúng và phe đối lập được tự do phê bình bản dự thảo tân hiến pháp.
Nhiều người chỉ trích nói rằng cuộc trưng cầu dân ý và tổng tuyển cử sẽ không đem lại gì nhiều cho công cuộc cải cách của Miến Điện vì dường như bản dự thảo hiến pháp cho phép quân đội duy trì sự kiểm soát của họ một cách đáng kể.
Quân đội đã cai trị Miến Điện từ đầu thập niên 1960 và đất nước này đã trở thành một trong các quốc gia nghèo khó và bị cô lập nhất tại Châu Á. Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu Châu và nhiều nước khác, đã áp đặt các trừng phạt kinh tế đối với chính phủ quân nhân để thúc đẩy họ cho phép thực hiện cải cách dân chủ.
Tuy nhiên các nước láng giềng của Miến Điện ở đông nam Châu Á, cùng với Trung Quốc và Ấn Ðộ, đã lập luận rằng giao tiếp về chính trị và thương mại với nhà cầm quyền Miến Điện là phương cách để buộc họ thực hiện cải cách, tốt hơn là trừng phạt họ.
Ông Gambari sẽ đi thăm Indonesia, Singapore và Nhật Bản để thảo luận về vấn đề Miến Điện.
Trong một cuộc họp báo thường lệ, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên báo chí rằng Bắc Kinh muốn thấy có dân chủ, hòa bình và ổn định tại Miến Điện, nhưng Trung Quốc chống lại biện pháp dùng sự trừng phạt kinh tế để gây áp lực đối với chính phủ nước này.