Chính phủ New Zealand nói rằng một Hội nghị về giải trừ vũ khí đang diễn ra tại nước này sẽ là một bước quan trọng cho việc đưa ra một lệnh cấm sử dụng các loại bom chùm một cách đầy đủ ý nghĩa. Loại vũ khí này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới, và các nhà hoạt động nói rằng loại vũ khí này chủ yếu gây thiệt hại cho thường dân. Từ Sydney, phái viên Phil Mercer của đài VOA gởi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Đây là hội nghị lớn nhất về giải trừ vũ khí được tổ chức tại New Zealand từ trước tới nay. Hội nghị quy tụ đại diện của hơn 120 chính phủ, cùng các nhà hoạt động, và những người sống sót sau các vụ nổ bom chùm.
Bom chùm nổ từ trên không, làm rơi hàng trăm mảnh bom nhỏ xuống mặt đất và nổ tung. Nhưng nhiều mảnh bom nhỏ không nổ ngay. Thay vì thế, chúng nằm ở những cánh đồng hay trong các khu làng mạc, nơi sau đó sẽ gây thiệt mạng hay thương tật cho những người giẫm phải chúng.
Liên Hiệp Quốc ước tính có đến 40% nạn nhân bom chùm là trẻ em.
Hội nghị kéo dài 5 ngày tại Wellington nhắm tạo dễ dàng cho tiến trình hướng tới việc ký kết một lệnh cấm toàn cầu vào cuối năm nay. Đây là một phần của Tiến trình Oslo đã bắt đầu từ năm ngoái khi nhiều quốc gia đã đồng ý tranh đấu cho lệnh cấm sử dụng loại bom này.
Bà Hilde Johnson, Phó Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, UNICEF đã khai mạc hội nghị, và nói rằng bom chùm đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp trên thế giới.
Bà Johnson nói: “Thật là một điều vô cùng kinh khủng. Nó đưa đến những hậu quả khủng khiếp. Bom chùm đã được thả xuống hơn 25 nước trên thế giới. Libăng là một. Và còn tại những nước khác như: Sudan, Chad, Albani, Afghanistan, Iraq – hầu như ở bất cứ nơi nào có chiến tranh.”
Tuy nhiên, những nước chính sản xuất loại bom chùm, hoặc những nước có số lượng dự trữ lớn loại vũ khí này thì không tham dự hội nghị.
Các nước này gồm Hoa kỳ, Irael, Nga và Trung Quốc. Những quốc gia khác như Pháp, Nhật, và Anh đã dùng áp lực ngoại giao để làm nhẹ bớt bản dự thảo hiệp định đang được thương nghị.
Mặc dù có những trở ngại, chính phủ New Zealand vẫn tỏ ra lạc quan cho rằng áp lực quốc tế cuối cùng sẽ đưa đến một lệnh cấm trên khắp trên thế giới.
Bộ trưởng về Giải trừ và Kiểm soát vũ khí Phil Goff nói rằng hội nghị sẽ là một bước then chốt để tiến tới việc đưa ra một hiệp ước quan trọng.
Hiệp định đang được tranh luận có mục đích đặt ra ngoài vòng pháp luật các loại bom chùm gây những thiệt hại không thể chấp nhận được cho thường dân. Hiệp định cũng đề nghị rằng nước nào sử dụng loại vũ khí này trong các vụ xung đột thì sẽ phải chịu trách nhiệm về việc tiêu hủy chúng khi kết thúc chiến tranh.
Ứơc tính đã có hàng triệu quả bom chùm do Israel thả xuống trong cuộc chiến 34 ngày với Hezbollah ở miền Nam Libăng hồi năm 2006.