Việt Nam, Philippines phản đối việc Tổng thống Đài Loan thăm đảo Ba Bình

Việt Nam và Philippines chính thức phản đối việc Tổng thống Trần Thủy Biển của Đài Loan đến thăm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa hôm thứ bảy.

Hãng thông tấn Pháp trích thuật tin tức báo chí Việt Nam hôm chủ nhật cho biết: phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng hành động của người đứng đầu Đài Loan 'là hành động leo thang hết sức nghiêm trọng, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở khu vực'.

Ông Dũng nói thêm rằng 'Đài Loan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả do hành động của họ gây ra', và yêu cầu 'phía Đài Loan chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm tương tự ở khu vực này'.

Hành động của nhà lãnh đạo Đài Loan cũng gặp sự phản đối của Philippines - một trong 6 nước đòi chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ đối với quần đảo Trường Sa.

Phát biểu tại Manila hôm thứ bảy, Bộ trưởng ngoại giao Alberto Romulo nói rằng 'quả là một điều không may khi Đài Loan thực hiện điều có thể xem là một hành vi chính trị vô trách nhiệm, có thể gây ra những tổn hại cho nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Đài Loan'.

Chính phủ ở Manila cũng nhân dịp này kêu gọi các nước đòi chủ quyền Trường Sa hãy có thái độ thận trọng, tự chế và thông qua hoạt động ngoại giao để giải quyết tranh chấp dựa theo tinh thần của bản 'Tuyên bố về Cách hành xử của các phe liên hệ ở Biển Nam Hải', thường được gọi tắt là DoC (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea).

Những lời phản đối của Hà nội và Manila được đưa ra sau khi ông Trần Thủy Biển đáp máy bay C-130 đến thăm đảo Ba Bình - hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa mà họ gọi là đảo Thái Bình; và trở thành vị tổng thống đầu tiên đặt chân lên phần đất mà họ gọi là 'cương thổ cực nam' của Trung hoa Dân quốc.

Tin tức báo chí ở Đài bắc cho biết: trong lúc ủy lạo binh lính Đài Loan trên đảo Ba Bình, ông Trần Thủy Biển đã đưa ra một đề nghị 4 điểm với nội dung chủ yếu là thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế và dùng mô thức 'song hành' để tìm cách giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và về quyền khai thác tài nguyên trong khu vực.

Nhà lãnh đạo Đài Loan cũng bày tỏ ý muốn tham gia hiệp định DoC mà Trung Quốc đã ký kết với Asean để duy trì an ninh và ổn định trong vùng Biển Đông.

Giới truyền thông Đài Loan cũng đặc biệt chú ý tới sự kiện là ông Trần Thủy Biển không hề dùng tới danh xưng Trung hoa Dân quốc khi đề cập tới vấn đề chủ quyền Trường Sa mà chỉ nói rằng Đài Loan là một trong các phe liên hệ trong vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo này. Họ cho rằng đây là một phương cách mà ông Trần Thủy Biển cố tình sử dụng để củng cố cho lập trường Đài Loan là một nước độc lập có chủ quyền.

Phe Quốc Dân Đảng đối lập ở Đài Loan cũng lên tiếng phản đối chuyến đi thăm đảo Ba Bình của ông Trần Thủy Biển. Ứng viên Tổng thống của Quốc Dân Đảng, ông Mã Anh Cửu, hôm thứ bảy đã lập lại tố cáo cho rằng hành động này là mưu toan nhằm tranh giành sự ủng hộ cho ứng viên Tạ Trường Đình của đảng Dân Tiến đương quyền trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 3 tới đây.

Bộ Quốc phòng Đài Loan đã hoàn tất việc xây dựng phi đạo dài 1,150 mét trên đảo Ba Bình hồi tháng 12, bất kể sự phản đối của Việt Nam. Tuần trước, phát ngôn viên Lê Dũng cũng đã lên tiếng phản đối việc một chiếc máy bay C-130 của Đài Loan đáp xuống hòn đảo này trong một chuyến bay thử được thực hiện trong vòng bí mật.

Hôm chủ nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, bà Diệp Phi Bỉ tuyên bố rằng: chuyến viếng thăm của ông Trần Thủy Biển - cũng như việc xây dựng sân bay ở đảo Ba Bình, chỉ nhắm tới các mục tiêu có tính chất nhân đạo. Bà Diệp nhắc lại tuyên bố của nhà lãnh đạo Đài Loan: 'tranh chấp chủ quyền nên được thay thế bởi nỗ lực bảo vệ môi trường, và việc làm cạn kiệt tài nguyên nên được thay thế bởi công tác bảo đảm sinh thái lâu bền', và kêu gọi các phe liên hệ thông qua đối thoại để mưu tìm một giải pháp hòa bình.