Ảnh hưởng lá phiếu của giới cử tri người Mỹ gốc Châu Mỹ La Tinh

Giới cử tri tại 22 bang, kể cả California và New York, sẽ đi đầu phiếu vào ngày Thứ Ba, 5 tháng Hai, trong ngày bầu cử sơ bộ trọng đại nhất của cuộc đua nhằm tranh dành chiếc ghế Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2008. Kết quả của các cuộc bầu cử sơ bộ và họp bầu này về phần lớn sẽ được quyết định bởi lá phiếu của giới cử tri Mỹ gốc Châu Mỹ La Tinh. Thông tín viên Chris Simkins của đài VOA tường trình về ảnh hưởng của lá phiếu của thành phần cử tri này đối với khả năng ứng cử viên nào thuộc Đảng Dân Chủ, hay thuộc Đảng Cộng Hòa sẽ được chính đảng của họ chọn đại diện cho Đảng ra ứng cử Tổng Thống.

Người gốc Châu Mỹ La Tinh ở Mỹ có tên gọi thông thường là người Latino - là nhóm thiểu số đông dân nhất Hoa Kỳ, và nhóm người này đã trở thành một thành phần cử tri có tỷ lệ gia tăng nhanh nhất so với tất cả các cộng đồng di dân khác trên khắp nước Mỹ. Đó là lý do vì sao các nhà quan sát chính trị nói thành phần cử tri Latino sẽ đóng một vai trò chủ yếu trong cuộc đua chạy vào Tòa Bạch Ốc năm nay.

Bà Cecilia Munoz, Giám Đốc Chính Sách Công thuộc Hội Đồng Quốc Gia La Raza ở thủ đô Washington, nói năm nay người Latino được thúc đẩy bởi một số vấn đề và đang huy động lực lượng để nói lên tiếng nói của mình bằng lá phiếu.

Bà Munoz nói: "Tôi tin rằng khí thế ấy, một phần, xuất phát từ một thành phần cử tri đang lớn mạnh, và theo đà gia tăng của cử tri trong cộng đồng chúng tôi, tỷ lệ người Latino trong giới cử tri Mỹ nói chung, cũng tăng theo. Thế nhưng ngoài ra, còn có một số yếu tố khác nữa. Chúng tôi quan tâm sâu xa đến các vấn đề chủ yếu bây giờ, như giáo dục, cơ hội được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, và chiến tranh."

Cả các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa lẫn Đảng Dân Chủ đều hiểu rõ tầm quan trọng của lá phiếu cử tri Latino. Đó là lý do vì sao họ đang ráo riết vận động trong các cộng đồng này, nhất là tại các bang ở miền Tây Hoa Kỳ. Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton đang cho chạy các chương trình quảng cáo bằng tiếng Tây Ban Nha trong chiến dịch vận động tranh cử của bà ở bang California.

Ông William Ramos, Giám Đốc Hội Các Quan Chức dân cử và công cử gốc La Tinh, chi nhánh Washington, gọi tắt là NALEO. Ông nói sự kiện các cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức sớm trong năm nay, có nghĩa là giới cử tri Latino sẽ có một tiếng nói mạnh trong tiến trình quyết định ứng cử viên nào sẽ được hai chính đảng lớn chọn ra đại diện cho Đảng để tranh chức vụ Tổng Thống Mỹ. Ông nhận định tiếp như sau:

Ông Ramos nói: "Bằng cách tổ chức bầu cử sơ bo sớm hơn ấn định, người Latino, vốn chiếm một thành phần đông đảo trong dân cư vùng Tây-Nam Hoa Kỳ, thức là khu vực của đa số các bang, và tại vùng Đông-Bắc như các bang New York, New Jersey chẳng hạn, được cho có một cơ hội để có một tiếng nói đích thực trong các cuộc bầu cử sơ bộ để chọn Tổng Thống Hoa Kỳ, và sau đó trong cuộc tổng tuyển cử."

Các nhà phân tích chính trị nói theo truyền thống, cử tri Latino không tuyệt đối trung thành với một chính đảng nào, và do đó hay thay đổi lá phiếu của mình. Từ những năm 1980, ngày càng có nhiều người Latino hơn gửi gắm lá phiếu của mình cho các ứng cử viên Tổng Thống thuộc Đảng Cộng Hòa. Tổng Thống Bush đã chiếm thêm được một số phiếu đáng kể của cử tri Latino khi ông tái đắc cử hồi năm 2004.

Nhưng một số nhà phân tích chính trị nói cuộc tranh luận về vấn đề di trú có thể làm cho một thành phần đáng kể cử tri thay đổi lối biểu quyết của mình, từ ủng hộ Đảng Cộng Hòa sang ủng hộ một ứng cử viên không thuộc Đảng Cộng Hòa. Giới phân tích tin rằng nhiều người Latino đã tỏ ra phẫn nộ về lập trường cứng rắn đối với di dân bất hợp pháp mà nhiều chính khách Đảng Cộng Hòa đã biểu lộ, kể cả đe dọa trục xuất hàng triệu công nhân không có giấy tờ hợp lệ hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ.

Ông Norman Ornstein, chuyên gia làm việc cho Viện Nghiên Cứu American Enterprise tại thủ đô Washington nói:

"Lập trường cứng rắn chống di dân bất hợp pháp mà nhiều ứng cử viên Đảng Cộng Hòa đã chọn cho mình, sẽ là một vấn đề trong nỗ lực vận động sự ủng hộ của giới cử tri Latino. Đó là lý do vì sao Thượng Nghị Sĩ John McCain, vốn không có lập trường cứng rắn chống di dân, và do đó không phải chịu gánh nặng mà những người có lập trường chống di dân phải gánh vác, là nhân vật người khiến cho các chính khách đảng Dân Chủ lo sợ hơn. Như Tổng Thống Bush đã chứng minh, ứng cử viên Đảng Cộng Hòa nào có thể chiếm được từ 35% đến 40% số phiếu của cử tri Latino, thì người đó có thể dành được thắng lợi trong một cuộc bầu cử, một cuộc bầu cử mà Đảng Dân Chủ tin chắc phần thắng sẽ về tay họ."

Một số nhà quan sát chính trị ước lượng hơn 9 triệu cử tri Latino sẽ đi đầu phiếu trong cuộc tổng tuyển cử, tượng trưng cho một tỷ lệ tăng lên tới 23%. Họ tin rằng con số ấy có thể còn tăng cao hơn, nếu 1 triệu người Latino đã đệ đơn xin nhập tịch, trở thành công dân Mỹ và được đi đầu phiếu trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ tháng 11 năm nay.