Nhân viên điều tra Anh đến Pakistan

Một toán nhân viên của Anh đã đến Pakistan để trợ giúp cho việc điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto. Toán nhân viên điều tra của Scotland Yard đến Islamabad hôm nay trong lúc Đảng Nhân dân Pakistan của bà Bhutto tiếp tục đòi hỏi Liên hiệp quốc đứng đầu cuộc điều tra về vụ ám sát hôm thứ Năm tuần trước và chỉ trích việc Tổng thống Pervez Musharraf quyết định hoãn cuộc bầu cử quốc hội cho đến ngày 18 tháng 2. Trong khi đó, một số các nhà quan sát ở Mỹ tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của các khoản viện trợ quân sự to lớn mà Washington dành cho Islamabad. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên Ravi Khanna.

Các đảng đối lập ở Pakistan tố cáo rằng chính phủ hoãn cuộc bầu cử quốc hội để ngăn không cho đảng Nhân dân Pakistan của bà Bhutto giành được những lá phiếu 'bày tỏ thương xót' sau khi vị cựu Thủ tướng này bị ám sát hôm thứ năm tuần trước. Phe đối lập cũng cho biết: họ e rằng quyết định của ông Musharraf có thể khiến cho bạo động gia tăng thêm nữa.

Tuy nhiên, theo bà Samina Ahmed, một nhà phân tích chính trị thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, hoãn cuộc bầu cử 6 tuần lễ là một việc đúng đắn. Bà cảnh báo rằng sự chuyển tiếp sang thểâ chế dân chủ ở Pakistan có thể diễn ra trong trật tự và hòa bình mà cũng có thể diễn ra với máu đổ và hỗn loạn.

Bà Ahmed nói: "Chúng ta đã thấy phân nửa Pakistan chìm trong khói lửa và việc đó diễn ra trước khi bà Bhutto bị ám sát. Sau vụ ám sát này chúng ta thấy rõ mức độ căm phẫn của công chúng. Tình trạng này có thể kéo dài được không? Rõ ràng là không!"

Một số các nhà quan sát chính trị Pakistan lưu ý tới sự kiện là vụ ám sát bà Bhutto đã xảy ra tại một nơi gần tổng hành dinh của quân đội ở thành phố Rawanpindi. Họ cho rằng điều đó đã gây phương hại cho sự tin tưởng của công chúng đối với khả năng chống khủng bố của quân đội và của Tổng thống Musharraf. Về việc này, ông Husain Haqqani, giáo sư chính trị học của Đại học Boston, phát biểu như sau:

"Đây là một chính phủ mà dân chúng không tin là có khả năng thực hiện một công tác đơn giản như điều tra vụ ám sát nhân vật lãnh đạo được dân chúng yêu thích nhất. Một chính phủ như vậy làm sao có thể giành được sự tin tưởng của người dân trong cuộc chiến chống khủng bố?"

Theo ông Haqqani, quân đội Pakistan đang mất dần sự hậu thuẫn của dân chúng và điều này rất bất lợi cho cả Pakistan lẫn Hoa Kỳ vì quân đội sẽ phải chiến đấu chống lại những phần tử nổi dậy mà không có sự ủng hộ của quần chúng. Ông nói thêm rằng hoạt động khủng bố ở Pakistan đang trên đà gia tăng, mặc dù giới hữu trách ở Islamabad đã nhận được nhiều tỉ đô la viện trợ của Hoa Kỳ để chống lại các phần tử cực đoan.

Ông Haqqani nói: "Số người chết vì nạn khủng bố ở Pakistan trong năm 2006 là 1,471 người. Trong năm 2005, con số đó chỉ là 648. Và giờ đây, trong năm 2007, con số đó lại tăng tới 2,300 người."

Ông Frederick Kagan của Viện nghiên cứu American Enterprise ở Washington nói rằng chính sách dành thật nhiều viện trợ cho Pakistan có thể là một chính sách sai lầm. Ông cho rằng quân đội có thể nghĩ rằng họ nên duy trì nạn khủng bố để tranh thủ viện trợ và sự chú trọng của Hoa Kỳ.

Ông Kagan nói: "Tôi nghĩ rằng điều đó mang lại cho quân đội Pakistan một sự khích lệ có tính chất ngược ngạo. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chú tâm vào vấn đề Pakistan chừng nào mà Pakistan vẫn còn những mối đe dọa khủng bố."

Giáo sư Husain Haqqani tán đồng nhận định vừa kể. Ông nói rằng Tổng thống Musharraf có thể lợi dụng mối đe dọa của các phần tử Hồi giáo cực đoan để giành thêm viện trợ của Mỹ.

Phân tích gia Danielle Pletka của Viện nghiên cứu American Enterprise cho rằng thay vì cung cấp hàng tỉ đô la viện trợ quân sự, Hoa Kỳ nên dùng số tiền này vào việc xây dựng một xã hội dân chủ ở Pakistan.

Phân tích gia Pletka nói: "Viện trợ cần phải tập trung vào một mục tiêu và mục tiêu đó chính là tăng cường sức mạnh của xã hội dân sự ở Pakistan. Điều đó sẽ mang lại sự ổn định phát xuất từ một hệ thống dân chủ năng động hơn."

Giáo sư Husain Haqqani của Đại học Boston cho rằng Washington nên dùng các khoản viện trợ quân sự và kinh tế như một đòn bẫy để đưa Pakistan đi vào con đường đúng đắn.

Giáo sư Haqqani nói: "Pakistan cần có một chính phủ mạnh - một chính phủ dân sự có khả năng kiểm soát quân đội và các cơ quan tình báo. Điều đó sẽ giúp Pakistan thoát khỏi quá khứ của các hoạt động thánh chiến để tiến vào giai đoạn hiện đại hóa."

Ông Haqqani cho rằng Washington có thể đạt được mục tiêu đó bằng cách đưa ra những điều kiện kèm theo các khoản viện trợ, bởi vì quân đội Pakistan hiện nay rất lo ngại về việc có thể bị mất đi sự chú tâm và các khoản viện trợ của Mỹ.