Thế giới phẫn nộ và lo ngại sau vụ sát hại bà Bhutto

Dư luận thế giới tiếp tục lên tiếng trước vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Một số người tỏ ra phẫn nộ trong khi một số khác quan tâm đến tương lai chính trị của Pakistan. Thông Tín Viên Sonja Pace tường trình từ London.

Báo chí ra ngày thứ Sáu trên khắp Châu Âu có những tựa đề nổi bật, đưa ra các phản ứng liên quan đến cái chết của bà Bhutto.

Tựa đề trên nhật báo the Times ở London sử dụng cách chơi chữ khi ghi rằng: 'Các nỗi lo sợ tăng lên sau khi bà Bhutto ngã xuống', và trong phần chi tiết, tờ báo nói đến Pakistan có thể rơi vào xáo trộn.

Còn tựa đề trên báo The Independent cũng ở London, là một câu hỏi: 'Pakistan rồi đây ra sao?'

Bài xã luận trên tờ Le Monde của Pháp cảnh cáo điều mà báo này gọi là 'mối nguy hiểm trong những ngày tới'.

Tại Bỉ, báo Le Soir cho rằng nền dân chủ của Pakistan đã bị vấy máu và nay mai có thể chết.

Các tờ báo ở Thổ Nhĩ Kỳ dự đoán Pakistan sẽ trải qua một thời kỳ bất ổn kéo dài. Nhật báo có lập trường tự do tại đó, là tờ Milliyet, gọi vụ ám sát bà Bhutto là một đòn nặng giáng xuống tương lai của Pakistan.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi xảy ra vụ ám sát. Thủ Tướng Anh ông Gordon Brown đã lên án và gọi bà Bhutto là người có sự dũng cảm to lớn.

Ông Brown nói: "Đây là ngày đau buồn cho dân chủ, Đây là giờ phút bi đát của Pakistan."

Các quan tâm về tác động của vụ ám sát mỗi lúc mỗi nhiều. Hôm thứ sáu, Bộ Ngoại Giao Anh đưa ra thêm khuyến cáo cho các công dân muốn du hành đến Pakistan, và khuyên những ai có chuyện thực sự cần thiết thì mới nên đi.

Bà Farzana Shaikh, chuyên viên nghiên cứu của tổ chức Chatham House ở London nói với đài VOA rằng Pakistan đang bước vào một tương lai bất định.

Bà Shaikh nói: "Có lẽ Pakistan đang đừng trước một cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ khi nước này được thành lập vào năm 1947. Nói một cách chính xác, cuộc khủng hoảng này được giải quyết như thế nào trong những tuần hoặc tháng sắp tới, tùy thuộc những quyết định của chính phủ lâm thời và Tổng Thống Pervez Musharraf."

Bà Shaikh còn nói rằng chính phủ Pakistan cần xét lại xem có nên tiếp tục tiến hành cuộc bầu cử đã dự định vào tháng tới hay không, trước tình hình bất ổn và có nguy cơ bạo động liên tục hiện nay.

Các quan chức của Hoa Kỳ trông đợi cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 8 tháng giêng như dự liệu. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ bà Condoleezza Rice đã nói chuyện qua điện thoại với ông Amin Fahim, người lên thay bà Bhutto trong đảng; dịp này Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói rằng bà ủng hộ tiến trình bầu cử.

Chuyên viên nghiên cứu Farzana Shaikh của tổ chức Chatham House ở London nói rằng mặc dù trong 2 nhiệm kỳ Thủ Tướng, bà Bhutto vẫn có một số tai tiếng; nhưng bà vẫn là một khuôn mặt nổi bật và vẫn được nhân dân ưa chuộng.

Bà Shaikh nói: "Vượt trên các chính trị gia Pakistan khác, có thể là ngoại trừ thân phụ của mình, bà Bhutto đã tạo cho nhiều người dân ở Pakistan cái cảm giác gần gũi. Với bà, người dân cảm thấy chính họ đang nắm vận mạng của đất nước. Điều này rất quan trọng tại Pakistan, nơi mà hầu hết những quyết định chính trị quan trọng đều được đưa ra bởi một nhóm nhỏ của những người giữ những chức vụ cao, nhóm này không ngần ngại để nói trắng ra là họ không cần quan tâm đến những thủ tục dân chủ."

Chuyên viên Shaikh còn nói rằng sau cái chết của bà Bhutto, phe đối lập không còn một nhân vật nào có đủ trọng lượng như bà để đứng ra lãnh đạo.