Ðặc sứ EU kêu gọi Trung Quốc có hành động với Miến Điện

Đặc sứ của Liên hiệp Châu Âu về vấn đề Miến Điện hối thúc Trung Quốc khuyến khích hòa giải chính trị ở nước láng giềng Miến Điện, nơi mà chính phủ quân nhân đang đàn áp dữ dội những người chống đối. Phái viên đài VOA Kate Woodsome tường thuật từ Hongkong là đặc sứ Piero Fassino muốn Trung Quốc dùng tư thế của một cường quốc thế giới đang nổi lên để giúp đỡ nhân dân Miến Điện.

Đặc sứ Pierro Fassino của Liên hiệp Châu Âu phát biểu tại Bắc Kinh hôm thứ Năm rằng Trung Quốc nên sử dụng vị thế của mình như là một cường quốc hàng đầu ở Châu Á, và như là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An LHQ, để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Miến Điện.

Ông Fassino nói rằng sự can dự của Trung Quốc vào vấn đề Miến Điện là thiết yếu để đạt được những tiến bộ tại đây. Ông đã bàn về vấn đề này với giới chức Trung Quốc từ hôm thứ ba.

Hồi tháng 9, chính phủ quân nhân Miến Điện đã khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ khi ra lệnh cho các lực lượng an ninh nổ súng vào những người biểu tình hoà bình ủng hộ dân chủ.

Một bản tường trình mới đây của LHQ cho biết 31 người đã bị giết hại, tuy nhiên các nhà hoạt động Miến Điện ở nước ngoài nói con số này cao hơn. Chính phủ Miến Điện đã phủ nhận lời cáo buộc đó. Hàng ngàn người, trong đó có các tăng sĩ Phật giáo đã bị đánh đập và bắt bớ.

Sau cuộc đàn áp, Trung Quốc phản đối việc áp dụng những chế tài đối với Miến Điện do Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra, nói rằng những biện pháp này sẽ phản tác dụng.

Một số nhà phân tích nói rằng Trung Quốc chỉ muốn duy trì hiện trạng tại nước láng giềng Miến Điện, một nước có nhiều đá quý, gỗ và khí đốt mà Trung Quốc đang cần cho nền kinh tế đang lên của họ.

Tuy nhiên, ông Fassino nói Trung Quốc đang cố gắng khuyến khích Miến Điện tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho việc tiến hành một cuộc đối thoại.

Ông Fassimo ca ngợi Trung Quốc về việc đã sử dụng ảnh hưởng quyết định và tích cực của mình trong cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và nói ông tin Bắc Kinh sẽ có hành động tương tự để giải quyết vấn đề Miến Điện.

Tuy nhiên, ông Fassino cho biết các giới chức Trung Quốc đã nói rất rõ với ông rằng người Miến Điện phải tự giải quyết vấn đề của họ.

Ông Fassino đang trong phần đầu của chuyến đi Châu Á đến Ấn Ðộ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Liên hiệp Châu Âu đã tăng cường các biện pháp chế tài đối với chính phủ quân nhân Miến Điện sau cuộc đàn áp đẫm máu hồi tháng 9.

Hôm thứ tư, Thượng viện Mỹ thông qua một đạo luật áp dụng thêm những hạn chế về du lịch và tài chính đối với các nhà lãnh đạo Miến Điện và phụ tá của họ. Mỹ cũng ngừng nhập khẩu ngọc và gỗ của Miến Điện.

Dự luật Thăng tiến Nhân quyền Miến Điện cũng đã lập ra một chức vụ mới cho vị đại diện đặc biệt và điều phối viên chính sách về Miến Điện.

Hạ viện Mỹ đã thông qua một đạo luật tương tự hồi tuần trước. Hạ viện phải thông qua dự luật của Thượng viện trước khi trình văn kiện này cho tổng thống Bush ký ban hành.

Các nhà lãnh đạo quân sự đã cai trị Miến Điện từ năm 1962, biến một quốc gia giàu có thành một đất nước bị đàn áp và sa lầy trong khó khăn kinh tế.

Chính phủ hiện tại đã quản thúc tại gia nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi hơn một thập kỷ nay, và làm ngơ trước chiến thắng áp đảo của đảng bà trong cuộc bầu cử hồi năm 1990.