Hội nghị về khí hậu ở Bali đạt thỏa thuận

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về vấn đề khí hậu trên đảo Bali đã bế mạc hôm thứ bảy với một thỏa thuận về việc khởi sự các cuộc thương thảo cho một hiệp định mới về khí hậu.

Sau hai ngày thương thảo gần như không ngừng, sự thành công của hội nghị xoay quanh vấn đề là Hoa Kỳ có chấp nhận một đề nghị của khối các nước đang phát triển G77, là các nước giàu sẽ viện trợ tài chính cho các nước nghèo nhiều hơn để phát triển các công nghệ sạch hay không.

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki moon đã trở lại Bali hôm thứ bảy và đưa ra lời kêu gọi vào phút chót rằng các nước hãy tỏ ra linh động.
Ông nói rằng các đại biểu đang nắm trong tay khả năng để truyền đạt với nhân dân trên khắp thế giới một kết quả thành công của hội nghị. Ông nói rằng cảm kích việc họ đã làm việc khó nhọc trong nhiều ngày đêm, nhưng công việc vẫn chưa hoàn tất.

Chỉ một lúc ngắn ngủi sau đó, hội trường đã bật lên các tràng pháo tay tán thưởng khi trưởng đoàn thương thảo của Hoa Kỳ bà Paula Dobriansky đưa ra một loan báo rất ấn tượng rằng Hoa Kỳ không phản đối kế hoạch của khối nước đang phát triển.

Thảo thuận được gọi là bản lộ đồ Bali đã đạt được sau 13 ngày thương thảo, tức là kéo dài hơn một ngày theo dự định.

Bản lộ đồ đã chính thức phát động một kế hoạch tham vọng nhất từ trước đến nay trong cuộc đấu tranh nhằm cắt giảm các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra. Hiệp định mới về khí hậu sẽ được thương thảo trong 2 năm, nhằm thay thế cho Nghị Định Thư Kyoto về khí hậu thay đổi sẽ hết hiệu lực trong năm 2012.

Dưới áp lực của Hoa Kỳ, bản lộ đồ không đề ra qui định cụ thể các mục tiêu giảm khí thải, mà phần lớn các nước tham gia hội nghị, dẫn đầu là Liên Hiệp Châu Âu, muốn ghi vào văn kiện này.

Hoa Kỳ được sự hậu thuẫn của Canada và Nhật Bản, nói rằng các mục tiêu cụ thể nên được qui định trong các cuộc thương thảo sau này.

Tuy nhiên, bản lộ đồ có đề cập đến việc nên dùng bản phúc trình về thay đổi khí hậu của nhóm khoa học gia liên chính phủ làm kim chỉ nam. Bản lộ đồ đã ghi khuyến nghị của bản phúc trình là mục tiêu giảm khí thải là từ 25% đến 40 % vào phần chú thích

Các nhà thương thảo sẽ phụ trách việc tìm những phương cách giảm lượng khí thải cũng như giúp các nước đang phát triển các công nghệ sạch và viện trợ tài chính để phát triển công nghệ sạch.