Các hoạt động giúp người Việt tị nạn từ Philippines

Theo tin mới đây thì chính phủ Canada đã đồng ý thu nhận những người Việt tị nạn cuối cùng tại Philippines. Sau đây là một số chi tiết liên quan đến tình trạng của những thuyền nhân kém may mắn này và công cuộc vận động của các cơ quan đoàn thể trong cộng đồng người Việt hải ngoại để số người tị nạn từ Philippiness có thể đến định cư tại Canada, được trích dẫn từ các tài liệu của Ủy Ban Người Tị Nạn và Di Dân của Hoa Kỳ và qua buổi phỏng vấn của Trần Nam trong Ban Việt Ngữ của đài VOA với bà Đoan Trang, Giám Đốc Đài Phát Thanh Quê Hương tại San Jose, nơi đang hỗ trợ cho một cơ sở tôn giáo để giúp đỡ những người Việt Nam tị nạn trong giai đoạn đầu tại Canada.

Tháng 4 năm 1998, chính phủ Philippines đã đóng cửa trại tị nạn cuối cùng tại thành phố Pasay. Tuy nhiên lúc bấy giờ vẫn còn khoảng 1500 người Việt Nam tị nạn vẫn còn bị kẹt lại nước này vì không hội đủ điều kiện để được đi định cư tại một nước thứ ba theo các tiêu chuẩn của một đạo luật về người tị nạn Đông Dương. Mặc dù được chính quyền địa phương cho phép ở lại Philippines nhưng những người kém may mắn này không còn được Liên Hiệp Quốc tài trợ và không được qui chế thường trú hoặc những quyền pháp lý khác cho nên họ đã phải tự lực cánh sinh và sống trong hoàn cảnh hết sức bấp bênh của những người không có một một quốc gia nào thừa nhận.

Tuy nhiên, trong những năm sau đó, nhờ sự can thiệp của một số chính trị gia Hoa Kỳ và nhiều người trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, chính phủ Hoa Kỳ và Na Uy đã thu nhận thêm một số lớn những người còn lại ở Philippiness. Và gần đây nhất, chính phủ Canada cũng đã đồng ý sẽ cho phép một số người Việt cuối cùng từ Philippines đến định cư, qua sự vận động của các cơ quan, đoàn thể và tôn giáo trong cộng đồng người Việt hải ngoại, trong đó có chùa Hoa Nghiêm với Thượng Tọa Thích Nguyên Thảo, và Phát Thanh Quê Hương tại San Jose.

Bà Đoan Trang Giám Đốc Đài này cho biết về các hoạt động để giúp đỡ những người Việt tị nạn từ Philippines như sau.

Bà Đoan Trang nói: Cách đây chừng hơn một tháng thì Thượng Tọa Thích Nguyên Thảo từ Canada có đến San Jose, và đích thân Ngài có đến đài phát thanh Quê Hương để nhờ Đoan Trang, nói riêng và nhờ Đài Phát Thanh chúng tôi, nói chung, giúp tổ chức một buổi gặp gỡ với quí đồng hương Việt Nam tại San Jose, và mục đích của buổi gặp gỡ đó là để gây quỹ có một số tiền tương đối khá giúp cho thầy Nguyên Thảo có phương tiện tại chánh giúp đỡ cho các đồng hương Việt Nam hiện còn đang bị kẹt tại Phi có cơ hội định cư tại Canada.

VOA: Thưa cô số người Việt tị nạn Cộng Sản còn lại ở Philippines là bao nhiêu, và hoàn cảnh của họ hiện nay ra sao?.

Đoan Trang: số người đó nếu Đoan Trang nhớ không lầm là 16một người. Họ đã ở lại bên Phi hơn 18 năm, và trong thời gian vừa qua có một số thiện nguyện viên của cộng đồng Việt Nam hải ngoại, trong đó có Thượng Tọa Thích Nguyên Thảo đã cố gắng tranh đấu để xin cho những đồng hương kém may mắn của chúng ta có thể đến một quốc gia đệ tam nào đó để khởi đầu lại một cuộc sống mà họ mong ước. Trong thời gian qua đã có một số người được đi Na Uy, đi Mỹ, v.v...

Tuy nhiên, số người còn ở lại mà có thể nói là trong tĩnh trạng chờ đợi tuyệt vọng khắc khoải là 161 người thì cuối cùng nhờ sự tranh đấu vận động của các đồng hương Việt Nam thì chính phủ Canada nhận họ, nhưng với điều kiện là chúng tôi chỉ cho nhập cư thôi chứ còn vấn đề tài chính thì quí vị hay lo liệu tất cả, ngay cả tiền vé máy bay thì những đồng bào của quí vị thì quí vị phải lo. Đó là lý do có những cuộc quyên góp đã được thực hiện tại Hoa Kỳ, tại Canada với hy vọng là đồng hương mỗi người một chút đóng góp vào.

VOA: Như vậy, theo cô thì phải có khoảng bao nhiêu tiền thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu tài chính để họ có thể định cư tại Canada?

Đoan Trang: Theo Đoan Trang được biết thì số tiền cần thiết lên đến ba trăm mấy chục ngàn để có thể mang được số đồng bào đó sang định cư tại Canada, và ít nhất là trong thời gian đầu, tức là khoảng 3 tháng đầu, những người bảo trợ phải lo cho họ hết, trong đó có vấn đề bảo hiểm sức khỏe, mỗi đầu người, cũng may là ở Canada cũng rẻ chứ không mắc như ở Mỹ, nghĩa là 100 đồng mà thôi. Nếu mà 150 mấy người mà mỗi tháng mỗi người 100 thì quí vị thấy không phải là ít. Đó là vấn đề bắt buộc phải có, 100 đồng cho mỗi đầu người về vấn đề bảo hiện sức khỏe. Rồi đến vấn đề thuê nhà cho họ ở , vấn đề ăn uống, dụng cụ bếp núc, những người bảo trợ phải lo hết trong một thời gian ít nhất là 3 tháng, để giúp họ tìm công ăn việc làm, chừng đó những người bảo trợ, hoặc là những hội đoàn, các Nhà Thờ, Chùa mới xong cái tráchnhiệm của mình. Thầy Nguyên Thảo có nhận 40 người. Đó là lý do mà Thầy có đến Đài Quê Hương nhờ chúng tôi tiếp tay.

VOA: Sự tiếp tay đó sẽ được thực hiện như thế nào, hoặc là với hình thức nào mà cô xem là có thể giúp đỡ họ nhanh chóng nhất?

Đoan Trang: Trong tinh thần yểm trợ cho thầy Nguyên Thảo, đúng hơn là yểm trợ cho các đồng bào của chúng ta ở bên Phi, trong bước đầu hội nhập tại Canada thì chúng tôi đã mạnh dạn đứng ra để tổ chức một chiến dịch gọi là Những Tấm Lòng Vàng. Và thưa quí vị qua cái buổi nói chuyện ngày hôm nay nếu quí vị là một trong những tấm lòng vàng mà quí vị không có điều kiện đến San Jose để dự buổi dạ tiệc do chúng tôi tổ chức thì quí vị có thể gửi chi phiếu đến đài Quê Hương, mà trên chi phiếu xin đề là Chùa Hoa Nghiêm, hoặc là Hoa Nghiêm Temple, chúng tôi sẽ gom hết tất cả những chi phiếu đó để chuyển giao cho thầy Nguyên Thảo cùng với phái đoàn từ Canada qua San Jose tham dự buổi tiệc do Đài Quê Hương tổ chức. Buổi dạ tiệc đó sẽ diễn ra vào ngày cuối năm 30 tháng 12, 2007 tại nhà hàng Dynasty. Buổi dạ tiệc gồm 2 phần, phần đầu là ăn uống, phần sau là văn nghệ với những tiếng hát nổi tiếng tại hải ngoại.

VOA: Thưa cô lúc nãy cô có nói số người còn lại bên Philippines là 161 người, vậy chính phủ Canada có bằng lòng nhận tất cả những người này hay không?

Đoan Trang: Theo tin tức mới nhất mà chúng tôi có được qua cuộc phỏng vấn cách đây vài ngày với Thượng Tọa Thích Nguyên Thảo từ Canada thì trong số 161 người đó có lẻ sẽ rớt lại mười mấy người. Tại sao họ bị rớt lại. Tại vì có người ở lại lâu quá , họ bị khủng hoảng tinh thần, tức là bị bệnh tâm thần, chính phủ Canada không nhận. Có những người bị bệnh nan y chẳng hạn như là bệnh phổi thì chính phủ Canada không nhận, hoặc những người trong hồ sơ ghi nhận là họ phạm tội hình sự thì chính phủ Canada cũng không nhận. Theo như Đoan Trang được biết thì con số người bị rớt lại là khoảng mười mấy người. Số còn lại bao nhiêu thì chính phủ Canada sẽ nhận hết. Và con số 40 người mà lúc nãy chúng tôi trình bày, đó là con số riêng chùa Hoa Nghiêm nhận, còn các nơi khác, các chùa khác, các nhà Thờ khác, các cá nhân khác, các hội đoàn khác họ chia nhau để nhận số người còn lại.

VOA: Thưa cô, ngoài sự vận động tại San Jose, cô có biết sự hưởng ứng của cộng đồng người Việt tại Canada như thế nào đối với công cuộc vận động cho những người tị nạn này hay không?

Đoan Trang: Cách đây vài ba ngày, thầy Nguyên Thảo, khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi, thầy có tâm sự như thế này, hồi đầu các điều kiện do chính phủ đưa ra để nhận những người tị nạn Việt Nam rất là khó khăn thành ra ít có người mở rộng vòng tay đón nhận đồng bào bên Phi nhưng bây giờ tương đối Canada nới lỏng các điều kiện đó với việc nói rằng nếu các đồng hương Việt Nam không có tiền mua vé máy bay thì họ có thể cho mượn rồi sau này họ đi làm thì trả lại thành ra bây giờ có thêm một số đồng hương ở bên Canada tiếp tay với thầy Nguyên Thảo để mà nhận thành ra số người được thầy Nguyên Thảo nhận bây giờ xuống dường như còn khoảng 30 người, có nghĩa là những người biết chắc sẽ được đi, còn số người mà lúc nãy tôi nói là bị loại thì không nằm trong danh sách mà Canada chấp thuận.

VOA: Ðối với những người không được Canada thu nhận vì lý do này hay lý do khác thì số phận của họ sẽ như thế nào, có nước nào khác ngoài Canada cho họ định cư hay không?

Đoan Trang: Điều này tôi có đặt ra với Thượng Tọa Thích Nguyên Thảo tại vì chúng tôi được xem những tấm hình chụp những người bị bệnh tâm thần thì thấy rất là tội nghiệp, có những trường hợp nhìn rất là đau lòng. Thầy nói rằng thầy có đề nghị với chính quyền Phi ở địa phương thì thầy nói rằng bây giờ trả họ về Việt Nam thì đương nhiên bên Việt Nam chẳng muốn nhận làm gì mà họ đi thì đi không được, bây giờ chỉ còn một cách là họ vẫn tiếp tục ở đó, và ở những nơi khác thì không biết như thế nào nhưng riêng thầy Nguyên Thảo ở chùa Hoa Nghiêm, hằng tháng sẽ cố gắng gửi tiền qua để cho những người dân bản xứ có thể dùng số tiền của chùa Hoa Nghiêm do thầy Nguyên Thảo gửi qua để tiếp tục nuôi dưỡng những người bị bệnh hoặc là những người không được qua vì những lý do khác, mà tội nhất là những người bị bệnh tâm thần, họ chẳng còn một sự sáng suốt gì để họ có thể tự lo cho cuộc đời của họ nửa.

VOA: Cám ơn cô Đoan Trang đã dành cho đài cuộc phỏng vấn hôm nay.

Mặc dù chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây 32 năm và trang sử thuyền nhân đã được đóng lại từ nhiều năm qua nhưng người ta tin rằng vẫn còn một số người Việt tị nạn ra đi bằng thuyền hay những phương tiện khác đang sống rải rác ở một vài nước khác, nhất là tại Thái Lan và Philppines. Giới hữu trách không có cách nào để biết chính xác số người này vì họ không có giấy tờ hợp pháp, không được hưởng một qui chế thường trú như những di dân vì nhiều lý do khác nhau. Họ chỉ còn biết trông cậy vào lòng nhân đạo của những nước trong thế giới tự do và nhất là sự đùm bọc của đồng bào của họ ở hải ngoại để một ngày nào đó họ có thể trở lại cuộc sống bình thường tại một gia thứ ba như những người may mắn khác trên bước đường tị nạn.