Để đánh dấu Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, người Tây Tạng sống lưu vong và giới hoạt động tích cực bảo vệ nhân quyền đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối và công bố những phúc trình đả kích các hành động vi phạm nhân quyền.
Hàng trăm người Tây Tạng lưu vong đã đổ về thủ đô New Dehli của Ấn Độ hôm thứ Hai, để phản đối điều mà ho cho là hành động phá hoại di sản văn hóa Tây Tạng do Bắc Kinh thực hiện.
Chính phủ Tây Tạng lưu vong đặt trụ sở tại Ấn Độ đã công bố một phúc trình hôm thứ Hai, nói rằng các chính sách phát triển của Bắc Kinh cũng phương hại đến di sản thiên nhiên của Tây Tạng.
Tại Australia, cảnh sát đã xô xát với những người biểu tình bên ngoài Đại Sứ Quán Trung Quốc ở thủ đô Canberra, sau khi độ 200 người triệu tập để phản đối cách đối xử của Trung Quốc đối với Tây Tạng.
Trong khi đó, một tổ chức bênh vực quyền tự do báo chí đã chỉ trích Trung Quốc về cách đối xử đối với những người chỉ trích chính phủ trong thời gian dẫn tới Đại Hội Olympic 2008 ở Bắc Kinh.
Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới mô tả Trung Quốc là 'nhà tù lớn nhất thế giới' đối với các nhà báo và giới hoạt động tích cực để bênh vực quyền tự do ngôn luận. Tổ chức này nói Trung Quốc cầm giữ 33 nhà báo và 49 người sử dụng internet để bày tỏ ý kiến bất đồng.
Đại Diện văn phòng Châu Á của Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới, ông Vincent Brossel, nói tổ chức này đã dự định tổ chức một cuộc biểu tình phản đối tại Bắc Kinh để đánh dấu ngày Quốc Tế Nhân Quyền, thế nhưng họ bị chính phủ Trung Quốc bác đơn xin giấy nhập cảnh.