Ngày mai, các nhà lãnh đạo của khối ASEAN dự kiến sẽ ký kết một bản hiến chương có tính chất dấu mốc để mang lại cho hiệp hội này một tư cách pháp lý tương tự như Liên hiệp Châu Âu. Hiến chương này có đề cập tới việc thành lập một cơ quan nhân quyền nhưng cũng tái khẳng định nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước hội viên. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên Luis Ramirez của đài chúng tôi gởi về từ Singapore.
Các vị ngoại trưởng của 10 quốc gia Đông Nam Á hôm nay đã bày tỏ sự hậu thuẫn đầy đủ cho hiến chương ASEAN, trong đó các nước hội viên cam kết sẽ thúc đẩy cho lý tưởng dân chủ và nhân quyền. Văn kiện này sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức ký kết vào ngày mai tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm tổ chức tại Singapore, mang lại cho ASEAN một tư cách pháp lý tương tự như Liên hiệp Châu Âu.
Hiến chương cũng qui định việc thành lập một cơ quan nhân quyền để xét duyệt vấn đề nhân quyền trong khu vực. Tuy nhiên, văn kiện này cũng tái khẳng định lập trường cố hữu của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia hội viên.
Sau khi các nhà soạn thảo hiến chương loại bỏ phần đề cập tới việc trừng phạt những hội viên vi phạm nhân quyền, đề nghị thành lập cơ quan nhân quyền đã được chấp thuận bởi Miến Điện - là nước có phần chắc sẽ là một đối tượng chủ yếu mà cơ quan này sẽ xem xét.
Theo dự liệu, hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ đưa ra một thông cáo chỉ trích vụ đàn áp ở Miến Điện, nhưng ngày hôm qua các nhà lãnh đạo ASEAN cũng tỏ ý cho thấy rằng: lên tiếng chỉ trích là hành động cứng rắn nhất mà họ sẽ làm.
Các nhà lãnh đạo Kampuchia và Lào cho báo chí biết rằng họ lên án những biện pháp chế tài mà Hoa Kỳ và các nước Tây phương đang áp dụng đối với Miến Điện. Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore - là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng tuyên bố rằng nước ông phản đối các biện pháp chế tài.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình CNBC của Mỹ ngày hôm qua, ông Lý Hiển Long phát biểu như sau:
"Ở Châu Á không ai hậu thuẫn cho điều đó cả. Điều trước tiên là Miến Điện muốn tự cô lập. Chính họ đã tự đóng các cánh cửa và chúng tôi đã tìm cách để làm cho họ mở ra. Vì thế, việc thúc đẩy để khép cánh cửa này sẽ không làm cho Miến Điện cảm thấy buồn phiền. Chắc chắn là các nhà lãnh đạo ở đó sẽ không thấy buồn phiền. Và điều thứ nhì là chúng tôi không kiểm soát tất cả các cánh cửa."
Các nước có những mối liên hệ chặt chẽ với ASEAN về thương mại - như Trung Quốc và Ấn Ðộ, cũng phản đối việc áp đặt các biện pháp chế tài. Các nhà lãnh đạo ASEAN nói rằng hai nước vừa kể sẽ tiếp tục làm ăn mua bán với Miến Điện bất kể là các nước khác có tẩy chay Miến Điện hay không.
Hôm qua, Tổng thư ký ASEAN, ông Ong Ken Yong đã lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi của Hoa Kỳ muốn ASEAN tạm thu hồi tư cách hội viên của Miến Điện. Ông nói rằng các nước khác nên để cho ASEAN tự quyết định các vấn đề của mình.