Một giới chức thương mại của Hoa Kỳ cho rằng các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, nhưng đang bị đe dọa bởi các chính trị gia chủ trương bảo hộ kinh tế. Đại sứ Alan Holmer thuộc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc tăng giá trị tiền tệ của họ và có các biện pháp giúp Hoa Kỳ bớt lo ngại về sự an toàn của hành do Trung Quốc xuất khẩu. Từ Bắc Kinh, phái viên Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây:
Ông Alan Holmer là đặc sứ của bộ Ngân khố Hoa Kỳ đi dự các cuộc đàm phán về kinh tế với Trung Quốc. Hôm nay, ông Holmer cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới trong quan hệ kinh tế chặt chẽ và thịnh vượng hơn. Nhưng với tình trạng mậu dịch gia tăng, theo ông, thì sự căng thẳng cũng nhiều hơn.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã có mức thặng dư mậu dịch lớn và ngày càng tăng với Hoa Kỳ. Năm ngoái, Hoa Kỳ báo cáo mức đó lên tới trên 230 tỷ đôla. Trung Quốc cũng đã tích lũy hơn 1,000 triệu đôla trữ lượng ngoại tệ.
Nhiều nhà chính trị và kinh tế cho rằng những số thặng dư này là do chỉ tệ của Trung Quốc, đồng Nguyên bị đánh giá quá thấp. Họ cho rằng nếu không giảm thiểu các mực thặng dư này một cách đáng kể thì có thể đi tới tình trạng bất ổn định trong các thị trường tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Holmer nói rằng có nguy cơ là Bắc Kinh sẽ không hành động kịp thời để đối phó với tình trạng bất quân bình do sự tăng trưởng kinh tế của họ gây ra.
Ông Holmer nói: “Nếu không có những biện pháp mạnh để điều chỉnh chính sách, con đường tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ trở nên thiếu bền vững, như các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã công khai phát biểu.”
Ông Holmer kêu gọi các nhà lãnh đạo của cả hai nước bỏ qua tình cảm bảo hộ kinh tế của các nhà chính trị và kinh doanh, thay vào đó, cho phép các lực lượng thị trường đóng vai trò toàn diện của chúng. Ông cho rằng Trung Quốc đã trở thành một nguồn ngoại viện cho các nước nghèo, và điều này đã đưa đến cả các cơ hội lẫn các trách nhiệm mới cho Bắc Kinh.
Ông Holmer nói: “Chúng tôi cũng mạnh mẽ ủng hộ dành quyền biểu quyết lớn hơn cho Trung Quốc trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Sự tham gia nhiều hơn sẽ cho phép Trung Quốc thăng tiến các quyền lợi của họ trong các cơ chế đó, nhưng điều cũng quan trọng là Bắc Kinh thừa nhận trách nhiệm của sự tham gia rộng rãi hơn.”
Ông Holmer phát biểu tại trường Quản lý và Chính sách Công cộng tại trường đại học Thanh Hoa đầy uy tín của Bắc Kinh, một tháng trước khi cuộc Đối thoại Kinh tế Sách lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dự trù diễn ra ở thủ đô Trung Quốc. Ngoài khoảng cách biệt về mậu dịch, chỉ tệ của Trung Quốc, cùng với những mối quan ngại hiện hữu về việc vi phạm tác quyền trí thức, các cuộc đàm phán năm nay còn tập trung vào các mối lo ngại về an toàn sản phẩm.
Ông Holmer cho rằng cách thức Trung Quốc xử lý các vấn đề an toàn sản phẩm sẽ ảnh hưởng lâu dài đến bang giao Trung-Mỹ, cũng như sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.