Thêm hàng trăm người bị bắt ở Pakistan

Đảng Nhân dân Pakistan của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto cho biết cảnh sát đã bắt thêm hàng trăm người ủng hộ của đảng nhằm phá hoại một cuộc biểu tình dự trù diễn ra vào ngày mai để phản đối lệnh khẩn cấp của Tổng thống Pervez Musharraf. Trong khi đó, Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Negroponte nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng Tổng thống Bush cực lực phản đối việc ông Musharraf ban bố tình trạng khẩn trương nhưng không muốn cắt giảm các khoản viện trợ cho Pakistan.

Một phát ngôn viên của đảng Nhân dân Pakistan, bà Farzana Raja, cho biết: hơn 1,000 người ủng hộ đảng này đang bị câu lưu. Những người bị bắt hầu hết là ở Punjab - tỉnh đông dân nhất của Pakistan. Theo lời bà Raja, giới hữu trách tiếp tục bắt bớ các cán bộ của đảng bà trong đêm vừa qua. Bà Raja cho biết thêm rằng: mặc dù ngày hôm qua, bà Bhutto kêu gọi dân chúng tự nguyện để cho cảnh sát bắt giam nhằm tạo áp lực đòi chính phủ thu hồi lệnh khẩn cấp, nhưng các viên chức cán bộ của đảng bà phải lẩn trốn để bảo đảm là sẽ có nhiều người tham dự cuộc biểu tình vào ngày thứ sáu này ở Rawalpindi.

Vì lý do đó mà các cán bộ lãnh đạo cao cấp và cán bộ địa phương đang trốn tránh cảnh sát. Họ không để cho cảnh sát đến bắt.

Các giới chức ngành cảnh sát Pakistan không xác nhận là đã có những vụ bắt bớ qui mô lớn. Tuy nhiên, viên cảnh sát trưởng của thành phố Rawalpindi -- nơi có các bộ tư lệnh của quân đội Pakistan, nói rằng: giới hữu trách nhất định không cho phép tổ chức các cuộc tụ họp đông người vì có những thông tin tình báo khả tín cho thấy là những kẻ nổ bom tự sát đã xâm nhập khu vực này.

Ngoài việc tổ chức cuộc biểu tình ở Rawalpindi, cựu Thủ tướng Bhutto còn đe dọa thực hiện một cuộc tuần hành đường trường từ thành phố Lahore ở miền đông tới thủ đô Islamabad vào tuần sau nếu tướng Musharraf không từ bỏ chức vụ tư lệnh quân đội vào ngày 15 tháng 11 và loan báo ngày tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vốn định tổ chức vào tháng giêng.

Trong khi đó, Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Negroponte đã ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện vào ngày hôm qua và cho biết rằng Hoa Kỳ chỉ có một lựa chọn duy nhất là tiếp tục công cuộc hợp tác với chính phủ và nhân dân Pakistan.

Ông Negroponte nói rằng: những khoản viện trợ của Mỹ dành cho Pakistan - tổng cộng gần 10 tỉ đô la từ năm 2001 tới nay, chủ yếu là để giúp Pakistan chống lại chủ nghĩa cực đoan ở Nam Á và cổ võ cho những chủ trương ôn hòa. Ông nói thêm rằng việc cắt giảm những chương trình viện trợ đó không phù hợp với quyền lợi của cả hai nước.

Ông Negroponte nói: "Việc cắt giảm các chương trình này sẽ mang tới cho nhân dân Pakistan một tín hiệu tiêu cực. Sự an toàn của công dân Mỹ và sự ổn định của khu vực Nam Á hiện đang dựa vào việc nuôi dưỡng những mối liên hệ mà hai nước đã bắt đầu xây dựng. Quan hệ hợp tác dài hạn với nhân dân Pakistan là lựa chọn duy nhất của Hoa Kỳ."

Dân biểu Gary Ackerman thuộc đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang New York, là một thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Ông đã lên tiếng đả kích nhà lãnh đạo Pakistan một cách kịch liệt, và nói rằng tướng Musharraf là một "tay côn đồ" chỉ muốn bám víu quyền lực thay vì ra sức tranh đấu chống chủ nghĩa cực đoan. Dân biểu Ackerman tố cáo rằng ông Musharraf đang bắt giam những chính trị gia có thể điều hành Pakistan một cách có hiệu quả và vụ trấn áp lần này ở Pakistan đòi hỏi một phản ứng quyết liệt từ phía Hoa Kỳ.

Ông Ackerman nói: "Lần này Pakistan cần phải nhận lãnh những hậu quả. Chúng ta nên ngưng giao cho Pakistan các phản lực cơ F-16 và cắt đứt toàn bộ các chương trình viện trợ khác cho tới khi nào tình trạng khẩn trương được bãi bỏ, hiến pháp được phục hồi, các thẩm phán Tối cao Pháp viện được phục chức, các chính khách đối lập và những nhân vật thuộc xã hội dân sự được trả tự do, các cơ quan truyền thông độc lập được hoạt động trở lại, một chính phủ tạm quyền được thành lập để tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội tự do và công bằng, và tướng Musharraf rời khỏi chức vụ tư lệnh quân đội như đã hứa."

Thứ trưởng Negroponte từng giữ chức Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ. Ông đã lên tiếng bênh vực cho những hoạt động chống khủng bố của tướng Musharraf kể từ năm 2001 tới nay. Nhưng ông cũng nói rằng: nếu tình trạng rối loạn hiện nay không nhanh chóng kết thúc thì công tác an ninh của quân đội Pakistan sẽ bị phương hại và sẽ có lúc Hoa Kỳ phải xem xét tới những biện pháp trừng phạt.

Ông Negroponte nói: "Tôi nghĩ rằng tình hình hiện nay kéo dài lâu chừng nào thì càng trở nên khó khăn nhiều chừng nấy. Và đó chính là lý do khiến chúng tôi tin rằng tình trạng khẩn trương cần phải kết thúc càng sớm càng tốt, ngõ hầu chính phủ Mỹ không phải đối diện với những sự lựa chọn mà quí vị đã trình bày."

Dân biểu Dana Rohrabacher thuộc đảng Cộng hòa, đại diện tiểu bang California, là người lâu nay vẫn mạnh mẽ ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bush. Tuy nhiên, trong cuộc điều trần ngày hôm qua, ông đã tán thành chủ trương của các dân biểu thuộc đảng Dân chủ và nói rằng đã tới lúc chính phủ Mỹ 'buông rơi' tướng Musharraf.

Để đáp lại yêu cầu vừa kể, thứ trưởng Negroponte nói rằng việc 'buông rơi' tướng Musharraf hay bất kỳ một nhân vật chính trị nào không hề tùy thuộc vào ý muốn của nước Mỹ. Ông nói rằng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ là dành cho chính phủ và nhân dân Pakistan và chỉ có người dân Pakistan mới có quyền quyết định tương lai chính trị của đất nước họ.