Nhân quyền tại Việt Nam là chủ đề một cuộc điều trần diễn ra tại Hạ Viện Mỹ hôm thứ ba. Phái viên Dan Robinson của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ nói rằng cuộc điều trần trước tiểu ban nhân quyền thuộc Ủy ban ngoại vụ Hạ Viện là cố gắng mới nhất của các nhà lập pháp Mỹ nhắm tới việc cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Dân biểu Mỹ, William Delahunt thuộc Đảng Dân Chủ bang Massachusetts, điều hành cuộc điều trần, nhận định rằng mặc dù đã được Mỹ dành cho các quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, biến Mỹ thành nước đón nhận nhiều hàng xuất khẩu nhất của Việt Nam, và Việt Nam đã được nhận vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp người dân trong nước.
Hai Dân biểu Đảng Dân Chủ đại diện cho các đơn vị bầu cử có rất đông cử tri Mỹ gốc Việt và một vị thuộc Đảng Cộng Hòa, mà từ ít lâu nay đã mạnh mẽ phê phán các chính sách nhân quyền của Việt Nam, đã ra trước cuộc điều trần trong tư cách chứng nhân.
Nữ Dân Biểu Zoe Lofgren của California, hiện bảo trợ một dự luật trong đó đề nghị rút lại qui chế thương mại bình thường mà Mỹ đã dành cho Việt Nam nếu chính quyền ở Hà Nội không phóng thích tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo, đồng thời thi hành các biện pháp nhằm thực sự thay đổi các chính sách nhân quyền của họ.
Bà Lofgren nói rằng người Mỹ đã nhận chân những hệ quả của các hành động tại hại đó của phía Mỹ mà theo bà thì vì thế mà Mỹ đã đánh mất khả năng thúc đẩy Việt Nam thực hiện các biện pháp cải thiện nhân quyền ở đó.
Còn ông Chris Smith thuộc Đảng Cộng Hòa, tác giả Luật Nhân Quyền Việt Nam được Hạ Viện thông qua trước đây trong năm nay với 414 phiếu thuận và 3 phiếu chống, cho rằng những hy vọng đạt tới tiến bộ ở Việt Nam đã bị triệt tiêu vì các hành động đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội.
Những vụ bắt bớ, đánh đập man rợ, các phiên tòa gian dối và những quyết định giam cầm được chính quyền Việt Nam thi hành, theo ông Smith, là nguyên nhân làm tiêu tán hết những hy vọng cải thiện đó.
Đại diện Bộ Ngoại Giao Mỹ trong cuộc điều trần, Phó trợ lý Ngoại Trưởng Scott Marciel, xác nhận rằng nhân quyền vẫn là đề tài ưu tiên trong các cuộc tiếp xúc của Mỹ với Việt Nam trong khi chính phủ Mỹ tiếp tục nêu rõ với chính phủ Việt Nam những trường hợp cá biệt của các tù nhân chính trị và tôn giáo.
Dù mô tả những hành động đàn áp các thành phần bất đồng ở Việt Nam là những hành động đáng sợ, ông Marciel vẫn biện minh cho việc Bộ Ngoại Giao Mỹ quyết định rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước chưa thực hiện được tiến bộ trong lãnh vực tự do tôn giáo.
Theo ông Marciel thì không có cách nào để Việt Nam có thể giải thích cho những hành động đàn áp ấy. Ông cho đó là chuyện không thể chấp nhận được. Ông nhìn nhận rằng nhân quyền ở Việt Nam vẫn hết sức tệ hại, nhưng thêm rằng riêng về quyền tự do tôn giáo thì ông không thấy có những bước lùi mà lại thấy có những bước tiến.
Phái viên Dan Robinson đài VOA đã ghi nhận sự có mặt của các thành phần tranh đấu cho dân chủ ở Mỹ và đại diên của hai tổ chức tranh đấu cho nhân quyền trong hàng các chứng nhân. Bà Sophie Richardson, Phó Giám Đốc Chương Trình Châu Á thuộc tổ chức Human Rights Watch nhận xét rằng tuy chính phủ Việt Nam tiêu hủy một luật cũ, nhưng lại đã thay thế bằng một luật mới, tán đồng việc bắt giam mà không xét xử ở Việt Nam.
Luật mới nầy, theo bà Richardson, cho phép nhà cầm quyền quản thúc bất cứ ai bị ngờ là có khả năng đe dọa nền an ninh quốc gia, hoặc câu lưu họ mà không cần xét xử gì cả tại các trung tâm quản chế, các trại phục hồi và ngay cả trong những bịnh viện tâm trí.
Trong số các chứng nhân ra trình bày trước cuộc điều trần có ông Đỗ Thành Công, đã bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ 38 ngày, viện cớ là ông đã viết những bài cổ võ cho dân chủ đăng trên Internet. Còn ông Hoàng Đan Duy thuộc Đảng Việt Tân, là Đảng do người Việt hải ngoại lập ra để vận động cho việc cải cách dân chủ ở Việt Nam bằng các biện pháp ôn hòa, thì coi sự kiện chính phủ Việt Nam kiểm soát mọi phương tiện truyền thông là chướng ngại chính ngăn cản công cuộc cải cách.
Ông Duy xác quyết là chính phủ Việt Nam đang nắm độc quyền trên ngành truyền thông để kiểm soát mọi thông tin, giới hạn việc trao đổi ý kiến và che đậy các hành vi tham nhũng và sai phạm của chính họ. Cũng theo ông Duy thì chính phủ Việt Nam đã kiểm duyệt Internet bằng cách dựng bức tường lửa, tung mật vụ ra theo dõi các quán cà phê Internet trong nước và đe doạ những người nêu ý kiến riêng trên mạng. Vì những lý do đó mà ông nầy cho rằng việc Quốc Hội Mỹ hậu thuẫn các nguồn thông tin độc lập, chẳng hạn như Đài Á Châu Tự Do, là việc tối quan trọng.
Trong buổi điều trần hôm thứ ba, Dân Biểu Chris Smith có nói là ông hy vọng Đạo Luật Nhân Quyền Việt Nam do ông bảo trợ - hiện hãy còn bị chận lại tại Thượng Viện Mỹ - sẽ có thể được Thượng Viện thông qua để tiến tới chỗ chung cuộc được cả Quốc Hội chuẩn nhận.