Những tấm lòng nhân ái cứu trợ nạn nhân bão lụt Việt Nam

Cơn bão Lekima, còn được gọi là cơn bão số 5, dù đã đi qua nhưng hậu quả của nó vẫn còn khiến cho hàng triệu người Việt Nam phải lâm vào tình trạng vô cùng bi đát. Nhiều cơ quan và tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước đã thực hiện các hoạt động cứu trợ nhằm xoa dịu phần nào những khổ đau mà các nạn nhân bão lụt đang phải gánh chịu. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về công cuộc cứu trợ này do Trần Nam của Ban Việt Ngữ VOA ghi nhận qua các nguồn tin truyền thông và một tổ chức tôn giáo ở hải ngoại về hoạt động cứu trợ tại Việt Nam.

Theo các nguồn tin trong nước, được hãng tin AP trích dẫn, thì cơn bão Lekima đã gây thiệt mạng cho ít nhất là 86 người. Một giới chức trong Liên Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế tại Ninh Bình nói rằng theo ước tính sơ khởi của Liên Hội và của chính phủ Việt Nam thì có khoảng 10 triệu người đã bị ảnh hưởng vì cơn bão Lekima. Còn theo cơ quan phòng chống bão lụt của Việt Nam thì ước tính sơ khởi về thiệt hại vật chất do cơn bão này gây ra là khoảng 131 triệu đô la, trong đó Nghệ An là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất trong số 9 tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão và những lũ lụt sau đó.

Mục sư Nguyễn Xuân Bảo, thuộc Thánh Đường Saigon tại miền Nam California, cho biết những gì mà ông đã chứng kiến về cơn bão Lekima, trong chuyến đi cứu trợ tại Việt Nam mới đây:

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Chúng tôi đi đến những vùng rất là thê thảm, có thể nói đây là trận bão lụt lớn nhất trong vòng 45 năm qua cho nên hậu quả của nó để lại rất là to lớn. Sự thiệt hại rất nặng vì vậy khi tôi mới về hôm thứ Bảy thì tôi đã quyết định là trong tuần này tôi sẽ tiếp tục lên đài kêu gọi gây quỹ cho đủ 100 tấn gạo cho 5 tỉnh, mỗi tỉnh 20 tấn. Tôi hy vọng như vậy chứ còn chưa biết kết quả như thế nào nhưng tôi sẽ làm tối đa, nếu như có nhiều hơn thì tôi cũng sẽ thêm một tỉnh nữa là Phú Thọ, một trong những tỉnh nghèo nhất ở Việt Nam.

Trong chuyến đi vừa rồi, Mục Sư đã thực hiện được những gì để giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão Lekima?

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Vừa rồi, chúng tôi đã phát được 20 tấn gạo cho một ngàn gia đình tại Quảng Bình, đó là khẩn cấp, chúng tôi đi trong trường hợp rất là khẩn cấp. Thật ra chuyến đi vừa rồi là để thị sát những thiệt hại trong vụ sập cầu Cần Thơ để coi mình cứu trợ gì được không nhưng tới đó thì thấy họ nhận cũng khá nhiều sự giúp đỡ trong nước cũng như ở ngoài nước cho nên việc cứu trợ cho các nạn nhân của vụ sập cầu Cần Thơ lúc đó tôi thấy không cần thiết lắm vì ở trong nước thu được 30 tỉ, Nhật Bản cho 9 tỉ và một số đang do đồng bào tiếp tục đem tới nữa. Chúng tôi đang ở Cần Thơ thì cơn bão số 5 ập vào do đó chúng tội vội quay ra miền Bắc để vào tỉnh Quảng Bình và Nghệ An nhưng Nghệ An trả lời là không thể vào được vì còn đang ngập lụt nên không thể đi vào được cho nên tôi nói thôi đi Quảng Bình để cứu trợ khẩn cấp cho các tỉnh miền Bắc.

Khi cứu trợ ở miền Bắc thì Mục Sư thấy tình hình ở đó như thế nào?

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Khi cứu trợ ở miền Bắc, chúng tôi thấy tình hình còn thê thảm hơn miền Nam nhiều. Thí dụ thường thường khi chúng tôi đi cứu trợ ở miền Nam, ngay cả lũ lụt cũng vậy, thì khi loan báo cứu trợ 1000 gia đình thì có khoảng 700, hoặc 800 gia đình tới nhận còn một số thì không đến vì lý do này hay lý do khác nhưng khi ra miền Bắc thì khi chúng tôi loan báo phát 1000 bao gạo thì chúng tôi phát cho đến bao thứ 1000 mới chấm dứt vì không có một ai vắng mặt không đi nhận cả, họ nghèo khổ khủng khiếp cho nên khi mình đem gạo đến cho họ thì họ rất là trân trọng. Nhất là chưa bao giờ nghe nói Việt kiều hải ngoại mà về cứu trợ họ mà bây giờ lại thấy có người từ bên Mỹ mang gạo đến cứu trợ mặc dù số quà không lớn, tuy nhiên tấm lòng giúp đỡ đó đã sưởi ấm họ trong tình đồng hương cũng như trong hoàn cảnh nghiệt ngã mà họ đang gặp phải.

Hiện nay Mục Sư có kế hoạch nào cho chuyến đi sắp tới?

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Kế hoạch trước mắt là chúng tôi mong ước đồng bào đóng góp 100 tấn gạo để chia mỗi tỉnh 20 tấn, nếu có hơn nữa thì chúng tôi sẽ tính hơn nữa.

Thưa ngoài gạo, còn có những giúp đỡ nào khác mà Mục Sư nghĩ rằng các nạn nhân bão lụt cũng đang cần?

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Gạo là thiết thực nhất để họ ăn ngay lập tức còn những phương tiện khác trong tương lai như giúp tôn lợp nhà hoặc là xây cất gì đó thì đó là chuyện trong tương lai nhưng hiện tại trước mắt là họ cần gạo. Khi tôi đi đến Hưng Hóa và thượng nguồn của sông Gianh tỉnh Quảng Bình thì mình mới thấy rằng hầu như tất cả mùa màng của họ đều bị cuốn trôi hết, bị hư hết vì vậy nhu cầu thiết thực nhất là gạo cho họ. Đó là nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay.

Thưa Mục Sư, hiện nay sự hưởng ứng của người Việt hải ngoại đối với công tác cứu trợ tại Việt Nam như thế nào, họ có còn quan tâm nhiều trước đây hay không?

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Tôi thấy rằng đồng bào Việt Nam hải ngoại bây giờ không còn phân biệt Nam Trung Bắc nữa, nhất là vấn đề nhân đạo. Ở bất cứ miền nào ở Nam Trung Bắc hễ có bão lụt là họ đều giúp đỡ.

Ngoài sự vận động giúp đỡ của người Việt hải ngoại, Mục Sư có nghĩ đến sự tiếp tay của những người Việt ở trong nước cho công tác nhân đạo này?

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Không phải chúng tôi chỉ kêu gọi cộng đồng Việt Nam hải ngoại đóng góp mà còn kêu gọi sự tiếp tay của người Việt trong nước. Như quí vị đã biết, qua vụ sập cầu ở Cần Thơ thì đồng bào ở trong nước đã đóng góp đến 30 tỉ đồng để giúp các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ. Tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy tích cực hơn nữa để yểm trợ công tác cứu trợ cho đồng bào nạn nhân lũ lụt tại miền Bắc.

Khi hoạt động cứu trợ tại Việt Nam, Mục Sư có nhận được giúp đỡ nào hoặc sự hợp tác nào của chính quyền địa phương?

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Chúng tôi hợp tác với các cơ quan từ thiện, đặc biệt là với Hội Hồng Thập Tự, Hội Chữ Thập Đỏ ở trong nước, họ rất là nghiêm túc và chính xác, bởi vì mình đâu có biết làng nào xã nào cần được cứu trợ thì làm sao cấp phiếu, làm sao để phát tận tay thì chính Hội Hồng Thập Tự ở trong nước đã hợp tác với chúng tôi rất là chặt chẽ và làm việc rất là hữu hiệu, nhất là trong công tác cứu trợ tại Quảng Bình trong đợt cứu trợ 46 vừa qua.

Sau đợt cứu trợ 46, Mục Sư có chuẩn bị nào cho đợt cứu trợ mà khi nãy Mục Sư có nói là sẽ thực hiện trong nay mai?

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Hiện tại thì chúng tôi cần 100 tấn gạo, mỗi tấn là 400 đô la, kể cả tiền chuyên chở đến cấp phát cho đồng bào của chúng ta. Xin quí vị có thể gửi yểm trợ về cho Thánh Đường Saigon khẩn cấp bởi vì ngày 26 tháng này thì chúng tôi sẽ lên đường. Nếu được thì xin quí vị gửi đến để tiếp tay với chúng tôi trong công tác nhân đạo này.

Việc phân phát các phẩm vật cứu trợ, chẳng hạn như gạo, đã được thực hiện như thế nào, thưa Mục Sư?

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Và như tôi chủ trương là chúng tôi từ bên Mỹ về và chúng tôi phải đi đến tận nơi phát tận tay, họ biết được điều đó cho nên mỗi lần đi cứu trợ thì chúng tôi không có chuyện gửi gạo cho xã ấp hay nhờ ai nhờ cơ quan nào phát giùm, ngay cả Hội Hồng Thập Tự chúng tôi cũng không có nhờ họ phát giùm, họ chỉ đứng ra giúp đỡ chúng tôi cái giấy phép đi tới và phối trí cho chúng tôi ở những nơi nào nghèo khổ nhất.

Thưa Mục Sư, vấn đề quyên góp tiền bạc để mua đồ cứu trợ là một vấn đề rất tế nhị, vậy có những phương tiện nào để chứng minh là đồ cứu trợ đến tận tay những người cần giúp đỡ mà không bị thất thoát

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Như anh đã biết là trong thời đại truyền thông này là không có đơn giản mình nói mình cứu trợ là được. Cứu trợ là phải có bằng chứng cứu trợ, cứu trợ cái gì, cứu trợ lúc nào, ở đâu, như thế nào,và trị giá bao nhiêu, chứ không thể nói tôi đi cứu trợ Quảng Bình 20 tấn, đó là lý do mà chúng tôi muốn chứng minh cho đồng bào hải ngoại thấy rằng những gì bà con đóng góp đều chính đích thân tôi về đến tận nơi trao tận tay. Tôi không phải nhờ các cơ quan hay đoàn thể, ngay cả Nhà Thờ để mà thay thế cho chúng tôi được bởi vì mình có trách nhiệm khi lạc quyên đồng bào hải ngoại thì mình có trách nhiệm để mang về.

Đây là vấn đề công tác từ thiện chung của cộng đồng không phân biệt tôn giáo, cho nên mỗi lần phát thì chúng tôi nói rõ ràng đây là sự đóng góp của tất cả đồng bào ở hải ngoại, trong đó có Công Giáo, Phật Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành đều đóng góp vào, tôi chỉ là một gạch nối mà thôi, và đó cũng là cách mà đồng bào hải ngoại hết sức là tin tưởng và hết sức ủng hộ trong suốt 46 đợt vừa qua.

Xin được hội Mục Sư một câu chót, khi đi làm công tác cứu trợ, có điều gì mà Mục Sư cho rằng đáng ghi nhớ, chẳng hạn như những người được giúp đỡ nghĩ gì về người Việt hải ngoại?

M.S. NGUYỄN XUÂN BẢO: Lẽ dĩ nhiên là một miếng khi đói bằng gói khi no. Họ rất là ngạc nhiên, có nhiều vùng họ không biết hải ngoại là gì, thí dụ như ở thượng nguồn sông Gianh, có những bộ lạc như người Rục chẳng hạn, họ chỉ có khoảng 150 gia đình và chúng tôi đến phát gạo cho họ thì không hiểu hải ngoại là gì nên chúng tôi phải cắt nghĩa cho họ hiểu là người Việt ở Mỹ hay ở nước ngoài khác đóng góp thì họ rất là trân trọng, có nhiều người có thể nói họ ôm bao gạo mà họ chảy nước mắt vì họ nói rằng đồng bào đi lâu ngày và xa xăm như vậy mà chúng tôi là những người ở miền Bắc mà còn nghĩ đến chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi vì vậy họ đã rơi nước mắt thấy rất là tội nghiệp. Do đó cái công lao cái khó khăn cực nhọc của mình đều tiêu tan khi mình thấy những món quà đến với họ, những ánh mắt, những nụ cười, lòng biết ơn của những người nhận được giúp đỡ, họ vô cùng cảm kích đối với những người hải ngoại. Cho nên tôi rất là vui.

Xin cám ơn Mục Sư Nguyễn Xuân Bảo, Thánh Đường Saigon, đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ buổi nói chuyện hôm nay.