Giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế tuyên bố việc Iran từ chối không đình chỉ công tác tinh chế uranium là điều đáng tiếc, nhưng ông nói rằng việc nước này sẵn sàng hợp tác với các nhân viên điều tra của LHQ là một bước đi đúng hướng. Từ văn phòng của VOA tại thành phố New York, phái viên Mona Ghuneim gửi về bài tường trình chi tiết sau đây:
Người đứng đầu Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế, ông Mohamed ElBaradei, cho biết vừa qua Iran đã đồng ý hợp tác với các chuyên viên điều tra của LHQ, nhưng ông nhấn mạnh rằng việc hoàn toàn hợp tác và làm sáng tỏ chương trình này vẫn cần thiết.
Lên tiếng tại đại hội đồng LHQ trong ngày hôm qua, ông ElBaradei nói rằng Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế đã không thể kiểm chứng một số mặt quan trọng trong chương trình hạt nhân của Teheran. Ông tỏ ý hối tiếc là Iran vẫn tiếp tục xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nặng, và nói rằng Iran phải chứng minh với cộng đồng quốc tế là Teheran nghiêm túc trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục tiêu hòa bình.
Ông ElBaradei nói: “Nếu Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế có thể đưa ra những bảo đảm khả tín về tính chất hòa bình của chương trình hạt nhân của Iran trong quá khứ và hiện tại thì sẽ tiến xa trong việc xây dựng niềm tin và có thể giúp tạo ra các điều kiện cho một giải pháp toàn diện và bền vững.”
Đại diện của Hoa Kỳ tại LHQ, ông Zalmay Khalilzad, nói rằng giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran là điều cấp thiết và các quốc gia Tây phương đang soạn thảo một nghị quyết mới của LHQ nhằm gia tăng sức ép đối với Teheran. Tuần trước, Washington đã áp đặt những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran và đang có những lời đồn đoán rằng Hoa Kỳ có thể đưa ra những biện pháp khắc nghiệt hơn.
Ông Khalizad nói rằng cần phải đạt được ngay một thỏa thuận với Iran để nước ngày đình chỉ chương trính tinh chế uranium của họ.
Ông Khalizad nói: “Xét theo thành tích và những lời tuyên bố cũng như chính sách và các mối liên hệ của Iran thì chúng ta không thể chấp nhận cho Teheran phát triển khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.”
Hôm Chủ nhật, ông Elbaradei cho biết không có bằng chứng cho thấy Iran đang chế tạo bom hạt nhân và còn phải nhiều năm nữa họ mới có được khả năng đó. Nhưng Hoa Kỳ và nhiều nước Tây phương khác, như Pháp, nghi ngờ Iran có chương trình vũ khí hạt nhân. Iran vẫn tiếp tục bác bỏ các cáo giác vừa kể và nói rằng chương trình hạt nhân của họ là để sản xuất năng lượng.
Ông Mohammad Khazaee, đại sứ của Iran tại LHQ, nói rằng Iran có quyền phát triển công nghệ hạt nhân nhắm vào các mục tiêu hòa bình.
Ông Khazaee nói: “Tất cả các phúc trình của Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế đưa ra từ tháng 11 năm 2003 cho thấy chương trình hạt nhân của Iran mang tính chất hòa bình và Cơ quan này đã nhiều lần khẳng định điều đó 'không có dấu hiệu nào cho thấy Tehran chuyển các nguyên liệu hạt nhân qua chế tạo vũ khí hạt nhân hay các thiết bị gây nổ khác'".
Thỏa hiệp của Iran với Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế đã bị chỉ trích vì thỏa hiệp này để cho Iran 'câu giờ' - kéo dài thời gian - nhưng ông ElBaradei nói rằng thỏa hiệp đạt được hồi tháng 8 để Teheran làm sáng tỏ khả năng hạt nhân của họ trước cuối năm nay là một bước quan trọng đi đúng hướng.