Mỹ: Trung Quốc không hợp tác trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không chịu hợp tác trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vì một khiếu tố Washington đã đệ nạp cho Tổ chức Thương mại thế giới. Trung Quốc là một trong những nước chế tạo sản phẩm giả mạo nhiều nhất trên thế giới và đang ngày bị quốc tế tạo sức ép đòi họ phải bảo vệ các bằng sáng chế và thương hiệu của người nước ngoài. Từ thủ đô của Trung Quốc phái viên Daniel Schearf gửi về bài tường trình chi tiết sau đây:

Đại sứ Clark Randt Jr. nói rằng mặc dù Hoa Kỳ đề nghị hỗ trợ và huấn luyện để giúp bảo vệ tài sản trí thức, Trung Quốc đã không hợp tác đầy đủ.

Hoạt động chế tạo hàng giả hàng nhái ở Trung Quốc gây thiệt hại nhiều tỉ đô la cho các doanh nghiệp nước ngoài mỗi năm, và đại sứ Randt hôm nay tuyên bố có những chỉ dấu từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho thấy là nạn đánh cắp tác quyền đang trở nên tồi tệ hơn.

Ðại sứ Randt nói: "Trong khi tầm mức của vấn đề lên cao tới mức rất hiếm thấy thì chúng tôi lại bị giới hạn và hạn chế nhiều hơn về những gì chúng tôi có thể làm tại đây. Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa đơn kiện về vấn đề quyền tài sản trí thức ra trước Tổ chức Thương mại thế giới và hậu quả là trong một vài trường hợp, chính phủ Trung Quốc đã giảm bớt một số hình thức hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ."

Đại sứ Randt đưa ra nhận định vừa kể tại một cuộc họp ở Bắc Kinh với đại diện của các doanh nghiệp Hoa Kỳ để bàn về vấn đề bảo vệ tác quyền.

Ông Jon Dudas, thứ trưởng Thương mại đặc trách quyền về tài sản trí thức, phát biểu vào lúc khai mạc buổi họp rằng quan hệ với Trung Quốc về vấn đề này đã bị phương hại từ khi vụ việc được đưa ra trước Tổ chức Thương mại thế giới.

Ông Dudas nói rằng Trung Quốc đã từ chối một yêu cầu của Hoa Kỳ muốn mở một cuộc họp khác của nhóm công tác của hai nước vào thời điểm cần có đối thoại nhất.

Ông Dudas nói: "Chúng tôi nghĩ rằng: giải pháp đúng đắn không phải là làm chậm lại bất cứ một mối quan hệ song phương nào, mà là gia tăng các mối quan hệ đó, củng cố các mối quan hệ và bảo đảm là tất cả những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm được xúc tiến để giải quyết. Bất kể là đôi bên hoàn toàn đồng ý với nhau hay là vẫn còn một số dị biệt ở mức độ nào đó, thì chúng ta cũng phải tiếp tục giải quyết vấn đề."

Hồi tháng Tư, Hoa Kỳ đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới điều tra về những hạn chế của Trung Quốc đối với việc mua bán những phim ảnh, đĩa nhạc và sách báo của Hoa Kỳ sau khi hai nước không giải quyết được cuộc tranh chấp.

Tổ chức Thương mại thế giới đã bắt đầu điều tra những đơn kiện của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc liên quan đến những sản phẩm vi phạm tác quyền, những hạn chế về các linh kiện xe hơi nhập khẩu từ nước ngoài và việc chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các công nghiệp trong nước.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng khiếu khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới về việc Hoa Kỳ áp đặt các thuế suất chống bán phá giá đối với các sản phẩm giấy nhập khẩu từ Trung Quốc.