Phe đối lập Pakistan phản đối đề nghị cấm các cuộc tụ tập chính trị

Các chính đảng đối lập ở Pakistan lên án một đề nghị của chính phủ muốn cấm các cuộc tụ tập chính trị sau khi xảy ra vụ tấn công gây chết người ở Karachi hôm thứ sáu tuần trước. Theo bài tường thuật của phái viên Barry Newhouse gửi về từ Islamabad, các nhà phân tích chính trị nước ngoài cũng bầy tỏ sự quan ngại về đề nghị này.

Các cuộc tụ tập đông đảo gây cản trở giao thông lâu nay vẫn là một đặc điểm của nền văn hóa chính trị Pakistan, nơi mà uy thế của một ứng viên được đánh giá một phần qua đám đông mà ứng viên này thu hút được.

Ông Babar Awan, một thượng nghị sĩ liên minh với đảng Nhân Dân Pakistan của cựu thủ tướng Benazir Bhutto, tin rằng lệnh cấm theo đề nghị của chính phủ đối với các cuộc tụ tập đó không có liên can đến việc cải thiện tình hình an ninh.

Ông Awan nói: “Chế độ đang tại vị và các liên minh chính trị của chế độ này, như đã thấy trong 8 năm vừa qua, đã không có khả năng thu phục được sự hậu thuẫn của quần chúng, vì thế họ muốn tiến tới một cuộc bầu cử có kiểm soát và chỉ huy.”

Các chính trị gia thuộc nhiều đảng đối lập nói rằng chính phủ của tổng thống Pervez Musharraf đã bị đe dọa trước hậu thuẫn hùng hậu dành cho cựu thủ tướng Benazir Bhutto, và muốn hạn chế tác động của những diễn biến như thế.

Thượng nghị sĩ Awan nhấn mạnh rằng thay vì thế, chính phủ phải cung cấp an ninh cần thiết để bảo đảm sẽ không xảy ra thêm những vụ tấn công vào các cuộc tụ tập chính trị.

Hôm qua tại Islamabad, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Daschle đang đi thăm Pakistan nói với các phóng viên rằng tuy ông không ủng hộ một lệnh cấm toàn bộ các cuộc tụ tập công cộng, một vài biện pháp đề phòng an ninh có thể là hợp lý.

Nghị sĩ Daschle nói: “Các cuộc tụ tập là một phần quan trọng trong tiến trình chính trị. Rõ ràng có những trường hợp phải coi những mối quan ngại về bạo động là điều nghiêm trọng.”

Các chuyên gia thuộc Viện Dân chủ Quốc gia do Hoa Kỳ tài trợ đang đi cùng với ông Daschle nêu ra rằng các căng thẳng chính trị đã tăng cao ở Pakistan. Họ cho rằng uy tín của chính phủ có nguy cơ bị xoi mòn thêm nếu như chính phủ can thiệp vào lịch trình bầu cử hay mùa vận động.

Các phân tích gia cũng cho rằng hệ thống tư pháp của Pakistan phải giữ thế độc lập, nhất là vào lúc xét xử những vụ liên quan những vụ quan trọng có dính dáng đến đến các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu.

Trong khi đó, bộ trưởng bộ nội vụ Pakistan, ông Aftab Sherpao bác bỏ lời yêu cầu của bà Benazir Bhutto đề nghị các nhân viên điều tra của Anh và Mỹ tiếp tay trong cuộc điều tra về vụ đánh bom hôm thứ sáu tuần trước.

Ông Sherpao nói rằng nhân viên điều tra của Pakistan có đầy đủ kinh nghiệm và có thể xử lý vụ điều tra.