Lãnh đạo Đức, Nga họp để cải thiện quan hệ song phương

Các nhà lãnh đạo Đức và Nga đang mở các cuộc hội đàm tại Wiesbaden bên Đức, vào thời điểm mà Matxcơva và Liên hiệp Châu Âu bất đồng về nhiều vấn đề quan trọng – trong đó có chuyện Kosovo và năng lượng. Từ Paris, phái viên Lisa Bryant ghi nhận thêm chi tiết về cuộc họp như sau:

Cuộc họp 2 ngày nằm trong khuôn khổ đối thoại thường lệ giữa Berlin và Matxcơva nhằm cải thiện quan hệ giữa đôi bên. Đó là điểm mà thủ tướng Đức bà Angela Merkel mới đây đã nhấn mạnh khi nói về một đối tác sách lược với Nga.

Nhưng các chuyên gia phân tích như bà Katinka Barysh, thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu ở London, cho rằng bang giao giữa hai nước – và hai nhà lãnh đạo – đã thay đổi từ thời của người tiền nhiệm bà Merkel, cựu thủ tướng Gerhard Schroeder.

Bà Barysh nói: “Dưới thời ông Schroeder, vẫn còn nhiều người – và tôi nghĩ trong số đó có cả ông Schroeder – tin rằng nước Nga muốn giống chúng ta. Rằng chúng ta có thể xây dựng một đối tác sách lược với một quốc gia vừa đi chệch hướng một chút, nhưng chung cuộc sẽ trở thành một nền dân chủ phóng khoáng. Nay, chúng ta biết được rằng điều này không còn đúng nữa. Vì thế, ta không thể đặc cơ sở quan hệ trên những niềm tin giống như chúng ta có thể làm trong những năm ông Schroeder còn tại chức.”

Bà Barysh nói rằng, ngày nay quan hệ giữa châu Âu và Nga có tính cách buông thả hơn. Và hai bên không còn đồng quan điểm về những vấn đề như tình trạng của Kosovo, một vấn đề mà bà Merkel và tổng thống Vladimir Putin của Nga dự kiến sẽ thảo luận.

Liên hiệp Châu Âu chia rẽ về việc liệu có thừa nhận Kosovo nếu tỉnh này công bố độc lập hay không, trong khi Nga ủng hộ Serbia, là nước kịch liệt phản đối hành động đó.Nga và châu Âu cũng không đồng ý với nhau về vấn đề năng lượng. Nga cung cấp khoảng 1 phần tư nhu cầu về khí đốt cho châu Âu, nhưng hai bên bất đồng về việc tiếp cận các thị trường năng lượng của nhau.Tuy nhiên, bà Barysh nói rằng Iran là một lãnh vực mà hai bên có thể hợp tác.

Bà Barysh nói: “Chẳng hạn như về vấn đề Iran, họ đã tỏ ra xây dựng hơn vì sẽ không có lợi chút nào cho Nga nếu Iran, nước nằm sát biên giới với Nga, chế tạo một vũ khí hạt nhân. Vì thế, trong vấn đề này thì Nga đã tỏ ra là một thành viên xây dựng của cộng đồng quốc tế."

Ông Putin sẽ đi thăm Iran trong tuần này.