Các chuyến đi thăm qua lại của lãnh đạo Đảng và chính phủ Việt Nam và Bắc Triều Tiên được vắn tắt loan báo mấy ngày trước đây, đã được thông tín viên AFP tại Hà Nội khai triển trong một bài tường thuật đánh đi từ Hà Nội trong ngày thứ sáu.
Bản tin trích lời những người quan sát cho rằng các chuyến viếng thăm qua lại của các nhà lãnh đạo hai nước chẳng những sẽ đẩy mạnh quan hệ giữa đôi bên mà còn tăng cường vai trò ngoại giao mà Việt Nam sắp nắm giữ khi trở thành hội viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Tuy chưa có ngày giờ dứt khoát cho chuyến đi của Tổng Bí Thư Việt Nam Nông Đức Mạnh sang thăm Bắc Triều Tiên và chuyến đi thăm Hà Nội của Thủ Tướng Bắc Triều Tiên, ông Kim Yong Il; nhưng theo một nguồn tin ngoại giao ở Hà Nội thì ông Mạnh có thể thực hiện chuyến đi từ ngày 16 tới 18 tháng 10.
Bản tin của AFP nhắc lại sự kiện hai nước là đồng minh trong thời chiến và Bắc Triều Tiên đã từng gởi quân qua giúp Hà Nội; nhưng trong khi Bắc Triều Tiên hãy còn nghèo đói và cô lập thì Việt Nam đã mau chóng tăng trưởng về kinh tế và ngày càng hội nhập vào các sinh hoạt quốc tế. Về thương mại thì Việt Nam quan hệ nhiều với Nam Triều Tiên hơn là với miền Bắc.
Trong khi Nam Triều Tiên là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam thì Việt Nam chẳng giao thương mấy với miền Bắc ngoài một vài chuyến tàu chở gạo sang cứu đói cho dân Bắc Triều Tiên.
Một nhà ngoại giao Việt Nam yêu cầu giữ kín danh tính, nói rằng chuyến đi của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi lớn cả trong khu vực lẫn trên thế giới.
Theo nhà ngoại giao nầy thì tiếp tục cuộc đối thoại sẽ càng tăng cường vai trò mà Việt Nam muốn nắm giữ trên trường ngoại giao. Hồi tháng 3 vừa qua, Hà Nội đã đứng ra tổ chức cuộc đàm phán giữa Bắc Triều Tiên và Nhật Bản.
Sự kiện lãnh đạo hai miền Nam Bắc Triều Tiên gặp nhau trước đây trong tháng nầy trong cố gắng kiến tạo hoà bình cũng đã được Việt Nam ca ngợi.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho rằng nếu những tiến triển như thế được duy trì và vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên được giải quyết ổn thoả thì sẽ rất có ích cho tình trạng ổn định và phát triển toàn vùng.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, cho rằng Việt Nam nhất định sẽ đóng góp phần mình vào việc mưu cầu hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.
Vai trò của Việt Nam, theo ông Thayer, càng biến Việt Nam trở thành quan trọng hơn giữa các nước lớn bởi vì tiếp cận được và rồi gây ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng là chuyện cực kỳ khó khăn.