Nhiều chỉ tệ của Châu Á đã tăng giá so với đồng đôla Mỹ trong năm nay, khiến cho hàng hóa xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn và số ngoại tệ dự trữ trở nên bớt giá trị đi. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng chính phủ trong khu vực không nên quá lo ngại về chiều hướng này. Từ trung tâm tin tức Châu Á của đài VOA, phái viên Kate Woodsome gửi về bài tường trình sau đây:
Đồng peso của Philippines tuần này tăng lên đến mức cao nhất từ 7 năm nay so với đồng đôla Mỹ trong khi đồng đôla Singapore tăng cao nhất kể từ 10 năm nay. Tại Ấn độ đồng rupee tăng 12% trong năm. Đồng rupiah của Indonesia, đồng won của Nam Triều Tiên, đồng đôla Đài Loan và đồng baht của Thái lan cũng tăng giá đều đặn.
Ông Song Seng Wun, một kinh tế gia trong khu vực làm việc cho cơ quan nghiên cứu CIMB-GK tại Singapore. Theo ông thì các chính phủ ở Châu Á không thực hiện những biện pháp mạnh để ngăn chận đà tăng trưởng này:
“Bài học mà ai cũng học được từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á là cứ để cho những nguyên tắc kinh tế cơ bản quyết định trị giá của chỉ tệ thì tốt hơn.”
Hồi tháng 7 năm 1997, đồng baht của Thái lan bị mất giá đưa tới cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực. Các chỉ tệ bị tụt giá mạnh kèm theo những khoản nợ không thể trả nổi và lãi suất tăng vọt đã đưa nền kinh tế Châu Á vào tình trạng suy thoái.
Bây giờ thì Châu Á đang trong thời kỳ bộc phát. Đồng thời những lo âu về sự trì trệ của kinh tế và cuộc khủng hoảng về vấn đề cho vay tiền mua nhà ở Hoa kỳ đã dẫn tới việc hàng loạt các chỉ tệ tăng giá ở Châu Á. Việc chính phủ Hoa Kỳ cắt giảm lãi suất vừa qua cũng gây thiệt hại cho đồng đôla Mỹ.
Trị giá đồng đôla thấp hơn sẽ khiến cho các mặt hàng xuất khẩu của các nước ở Châu Á trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng ở Mỹ. Nhưng theo kinh tế gia Song thì chính phủ các nước Châu Á không quá lo ngại đối với việc hàng hóa xuất khẩu đắt đỏ hơn, một phần là vì phần lớn chỉ tệ trong khu vực đều lâm vào tình trạng chung, có nghĩa là không chỉ có riêng nước nào tăng giá trên thị trường.
Ông Song nói rằng việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị giảm cũng có thể bù lại bằng việc xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh.
Ông nói rằng chính phủ các nước Châu Á được hưởng lợi từ việc chỉ tệ tăng giá vì sẽ giúp họ mua dầu- được bán với giá đồng đôla Mỹ - rẻ hơn.
Nhiều nước cũng mua được hàng hóa của Mỹ với giá rẻ hơn. Sự kiện này giúp cho những nước lệ thuộc vào nhập khẩu như Singapore có thể bù đắp lại sự gia tăng giá cả của một số mặt hàng nhập khẩu.
Ông David Mann, một chuyên giá kỳ cựu về sách lược tiền tệ tại Standard Chartered Bank của Hongkong, nói rằng các chính phủ ở khu vực châu Á cũng hưởng lợi nhờ tình trạng này bằng cách bán chỉ tệ địa phương và mua đồng đôla.
Ông Mann nói: “Làm như thế, họ có thể gia tăng số ngoại tệ dự trữ, một công cụ hữu dụng để tạo ra tình trạng ổn định. Có thể nói giống một kho vũ khí có lợi cho những lúc cần thiết khi tình thế đảo ngược, lúc chỉ tệ xuống giá và họ cần phải bán đi một số ngoại tệ dự trữ đó.”
Tuy nhiên về lâu về dài, theo ông Mann thì chính phủ các nước ở Châu Á nên khuyến khích việc tiêu dùng hàng hóa trong nước để cho nền kinh tế của nước họ ít bị lệ thuộc vào vào việc xuất khẩu.