Tin loan báo tại Hà Nội và được thông tấn xã Reuters trích thuật lại hôm thứ năm cho biết Thủ Tướng Bắc Triều Tiên sắp sang thăm Hà Nội. Việt Nam là một nước đồng minh của Bắc Triều Tiên mà nền kinh tế lẫn sức trỗi dậy từ vị thế cô lập là điều mà Mỹ và nhiều nước khác hi vọng là một ngày nào đó Bắc Triều Tiên sẽ mô phỏng.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho hay là ông Kim Yong Il, Thủ Tướng nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên sẽ thực hiện một chuyến đi thăm chính thức tại Viêt Nam trong thời gian tới đây theo lời mời của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Dũng nói thêm rằng cả hai nước đều đang tích cực chuẩn bị cho chuyến đi nầy.
Tin của Reuters ghi thêm là quốc gia Việt Nam dưới chế độ Cộng sản đã lập bang giao với cả Bắc lẫn Nam Triều Tiên. Nam Triều Tiên là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam là nơi mà nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức lên tới hơn 8% một năm.
Phát ngôn viên của chính phủ Việt Nam nói rằng Việt Nam hoan nghênh tin cho biết cấp lãnh đạo hai miền Nam Bắc Triều Tiên đã đồng ý hợp tác với nhau. Việt Nam cũng sẵn sàng đóng góp cho việc cải thiện các quan hệ giữa hai miền Triều Tiên và tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.
Hồi tháng ba vừa qua, Hà Nội đã đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán nhằm bình thường hoá quan hệ giữa Cộng Sản Bắc Triều Tiên và Nhật Bản.
Các nhà ngoại giao thường trú tại Hà Nội nói rằng họ dự liệu Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm của Việt Nam sẽ qua thăm Bình Nhưỡng vào cuối năm để đáp lễ chuyến thăm Việt Nam của Thủ Tướng Kim Yong Il.
Phái viên Reuters nhắc lại sự kiện là mới tuần trước, Thủ Tướng Việt Nam đã đọc diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, là cơ chế sẽ quyết định trong tháng nầy về việc có chấp thuận cho Việt Nam giữ ghế hội viên không thường trực trong Hội Đồng Bảo An nhiệm kỳ 2008-2009 hay không.
Hồi tháng Năm, khi đi thăm Hà Nội, nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ Christopher Hill – cũng là trưởng đoàn thương thuyết của Mỹ trong cuộc đàm phán 6 bên về Bắc Triều Tiên – có nói rằng ông mong Bắc Triều Tiên sẽ mô phỏng chủ trương thực tế như đã thấy tại Việt Nam, và tiến bước trên cùng con đường giống Việt Nam.
Hồi thập niên 1960 và 1970, Bắc Triều Tiên đã gởi quân sang giúp Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam; và liên hệ giữa đôi bên từ dạo đó vẫn chặt chẽ.