Cựu thủ tướng Pakistan đệ đơn khiếu tố việc bị trục xuất

Một luật sư của cựu thủ tướng Pakistan, ông Nawaz Sharif, đã đệ đơn khiếu tố việc chính phủ đã trục xuất ông ra khỏi Pakistan. Tuy nhiên, chính phủ lập luận rằng ông Sharif không bị cưỡng ép tống xuất mà là ông đã tự ý trở lại sống lưu vong thay vì có thể bị bắt về tội tham nhũng. Từ Islamabad, phái viên Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây:

Hôm nay, luật sư của ông Sharif đã đệ một đơn khiếu tố lên tối cao pháp viện Pakistan, chống lại việc chính phủ tống xuất ông trở lại sống lưu vong ở Ả Rập Saudi.Vị cựu thủ tướng bị lật đổ đã đến Pakistan hồi sáng qua sau khi đồng ý sống lưu vong trong 8 năm. Nhưng sau khi nhận được trát tòa đòi bắt ông về tội tham nhũng thì ông đã bị buộc trở lại Ả Rập Saudi sau khi về nước chỉ có vài tiếng đồng hồ.

Bộ trưởng bộ thông tin Pakistan, ông Tariq Azim, nói rằng, trái với nhiều nguồn tin và những lời bình luận của đảng đối lập, chính phủ đã không trục xuất ông Sharif hay can thiệp vào việc ông trở về nước.

Ông Azim nói rằng ông Sharif đã được dành cho tất cả mọi sự tiếp đãi lịch sự và đã được xử lý một cách tử tế, nhưng khi ông nhận ra rằng ông có thể phải đi tù thì ông đã quyết định trở lại sống lưu vong ở Ả Rập Saudi.

Ông Azim nói: “Ông ấy đã được quyền chọn việc đi Ả Rập Saudi, và ông ấy đã chấp nhận giải pháp đó. Và thay vì đi đến một trại giam thì ông ấy quyết định đi Jeddah để sống nốt thời gian 10 năm lưu vong theo như thỏa thuận.”

Vị cựu thủ tướng Pakistan tính trở về nước để chuẩn bị một cuộc thách thức quyền lực của tổng thống Musharraf – người đã lật đổ ông năm 1999 trong một cuộc đảo chính quân sự.

Sau cuộc đảo chính, chính phủ Musharraf đã kết án tù chung thân ông Sharif về tội tham những nhưng cho phép ông được đi sống lưu vong ở Ả Rập Saudi theo một thỏa thuận trong đó ông hứa là ra lánh xa Pakistan trong một thập niên.

Việc trục xuất ông dường như đã được đưa ra trước một phán quyết của Tối cao Pháp viện hồi tháng trước. Tòa án này đã quyết định là thỏa thuận đó không có giá trị và ông Sharif phải được phép trở về nước mà không có sự can thiệp của chính phủ. Ông Musharraf đã từng đụng độ với Tối cao Pháp viện.

Hồi tháng 3, ông đã định sa thải vị chánh án và châm ngòi cho những vụ biểu tình ồ ạt khắp nước. Đảng của ông Sharif, là Liên minh Hồi giáo Pakistan, đã lên án vụ trục xuất và đang ủng hộ cho một cuộc đình công trên toàn quốc của các luật sư để phản đối các hành động của chính phủ.

Hoa Kỳ, một liên minh chính của ông Musharraf chống lại các phần tử chủ chiến và khủng bố tại Pakistan, đã nói rằng vụ trục xuất đi ngược lại với phán quyết của Tối cao Pháp viện.

Liên hiệp Châu Âu thì nói rằng ông Sharif phải được phép trở về Pakistan để ra tòa. Một vị cựu thủ tướng khác đang sống lưu vong là bà Benazir Bhutto, cũng đang tìm cách thương lượng để trở về tham gia chính trường Pakistan qua một cuộc dàn xếp chia sẻ quyền hành với ông Musharraf.