Trung Quốc áp dụng luật mới về việc đầu thai của các Phật Sống

  • Heda Bayron

Kể từ ngày 1 tháng 9, Trung Quốc siết chặt quyền kiểm soát đối với Phật giáo Tây Tạng bằng một luật mới đòi phải có sự chấp thuận của chính phủ mới được công nhận các vị Lạt ma tái sinh. Những người Tây Tạng tranh đấu nói rằng đây lại là một hành động nữa của giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc nhắm phá hoại văn hóa của người Tây Tạng và còn muốn nắm cả quyền kiểm soát một cách phi lý về những niềm tin tôn giáo đối với những chuyện xảy ra ngay cả sau cõi đời này.

Luật lệ mới của Trung Quốc cấm các vị Lạt ma Tây Tạng tái sinh mà không có sự chấp thận của Trung Quốc!

Trung Quốc, nước cai trị phần đất Tây Tạng từ hớn nửa thế kỷ nay, phán rằng bất cứ ai ở bên ngoài Trung Quốc không thể ảnh hưởng đến tiến trình đầu thai mà chỉ có những viện Phật học tại Trung Quốc mới có quyền nộp đơn xin phép công nhận các vị Lạt ma tái sinh.

Các chuyên gia và những nhà tranh đấu nói rằng luật này rõ ràng nhắm tới việc loại bỏ vai trò của lãnh tụ tinh thần lưu vong của Tây Tạng, đức Ðạt Lai Lạt Ma, ra khỏi tiến trình chọn lựa các vị Lạt ma tái sinh, còn gọi là các vị Phật Sống, là những người nắm giữ vai trò cốt lõi trong giới lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng.

Và họ còn cho rằng luật này đắc lực dọn đường cho Trung Quốc can thiệp vào chuyện tái sinh trong tương lai của đức Ðạt lai Lạt ma năm nay 72 tuổi, là người bị Trung Quốc coi là một nhân vật 'ly khai'.

Theo ông John Powers, một chuyên gia về Phật giáo Tây Tạng tại đại học quốc gia Australia, nói rằng luật lệ này thật là 'phi lý', nhưng đồng thời nó cũng 'ghê gớm đến lạnh người'.

Ông Powers nói: "Nhà cầm quyền Trung Quốc tìm mọi cách để sử dụng quyền kiểm soát của họ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu đối với những tập tục tín ngưỡng cũng như đời sống của người dân. Họ lại còn tìm cách kiểm soát cả cái chết lẫn đời sống tương lai sau cái chết. Chuyện như thế này chỉ có thể xảy ra ở một nơi mà một chính phủ toàn trị nắm tất cả mọi quyền sinh sát trong tay mà thôi."

Nước cộng sản Trung Quốc hành sử quyền kiểm soát gắt gao đối với tất cả mọi tôn giáo. Lấy thí dụ, hàng triệu tín đồ công giáo Trung Quốc chỉ được phép đến cầu nguyện ở những nơi thuộc Giáo Hội Yêu Nước được nhà nước cho phép, một giáo hội hiện diện ở bên ngoài tòa thánh Vatican. Giáo Hội Nhà Nước bổ nhiệm các giám mục tại Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của đức giáo hoàng.

Các tổ chức bênh vực nhân quyền từ lâu đã chỉ trích Trung Quốc về những hành động đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền tại Tây Tạng.

Năm 1995, Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật thứ nhì tái sinh của Phạt giáo Tây Tạng được Ðức Đạt Lai Lạt Ma chọn, đã bị Bắc Kinh bác bỏ. Thay vào đó Trung Quốc đã bổ nhiệm Ban Thiền Lạt Ma do họ chọn và bắt giữ Ban Thiền Lạt Ma do đức Đạt Lai Lạt Ma chọn. Nhưng rất ít người Tây Tạng coi Ban Thiền Lạt Ma do Trung Quốc đưa ra là lãnh tụ hợp pháp của họ.

Các vị Lạt Ma thường tái sinh để tiếp tục những công việc tốt lành còn đang dở dang chưa hoàn tất. Thường thì có nhiều ứng viên trong tiến trình tuyển chọn một vị Lạt ma tái sinh, nhưng sẽ chỉ có một người được công nhận mà thôi.

Đức Ðạt Lai Lạt Ma đã nói rằng ông sẽ đầu thai ở bên ngoài Tây Tạng, khiến đưa đến một chuyện có thể xảy ra là có 2 vị Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai., một do nhà cầm quyền Trung Quốc bổ nhiệm ở Tây Tạng và một sống lưu vong.

Nhưng theo ông Tenzin Norgay, phát ngôn viên cho trung tâm Tây Tạng tranh đấu cho Dân chủ và Nhân quyền ở Dharamsala, Ấn Ðộ, nơi đặt chính phủ lưu vong của Tây Tạng, nói rằng có phần chắc người dân Tây Tạng sẽ không chấp nhận một Đạt Lai Lạt Ma do Trung Quốc bổ nhiệm.

Ông Norgay nói: "Làm thế nào mà một đảng vô thần lại có tư cách để công nhận vị Đạt lai Lạt Ma kế tiếp? Quí vị phải hiểu được tâm tình của ngườiø dân Tây Tạng. Người dân Tây Tạng không có được chút kính trọng nào đối với Ban Thiền Lạt Ma do Trung Quốc bổ nhiệm. Và cũng giống như vậy, nếu cái lệ mới này có hiệu lực, nếu nhà cầm quyền Trung Quốc cứ tự ý chọn một Đạt Lai Lạt Ma, thì chẳng có ích lợi gì. Nhiên hậu, điều này phải đến từ lòng kính trọng tự phát của nhân dân Tây Tạng."

Trung Quốc nói rằng luật lệ mới nhắm duy trì sự hòa hợp xã hội, một lý do mà nhà nước Trung Quốc vẫn thường viện dẫn trong nhhững tình huống có liên quan đến xung đột sắc tộc, kinh tế hay chính trị. Bắc Kinh đã liên tiếp đưa ra hàng loạt dự án nhắm xóa bỏ tình trạng nghèo đói và cô lập của Tây Tạng, trong số này có đề án đường xe lựa công nghệ cao nối liền Bắc Kinh với Tây Tạng, vừa đi vào hoạt động vào năm ngoái.

Nhưng các đoàn thể tranh đấu cho nhân quyền nói rằng nhân dân Tây Tạng cảm thấy văn hóa của họ sẽ bị xóa mờ vì chính phủ này bảo trợ cho luồng dân Trung Quốc gốc Hán đông đảo tràn vào Tây Tạng sinh sống. Luật mới này dường như còn mang tính chất đe dọa nặng nề hơn nữa cho một khía cạnh sâu thẳm trong đời sống của người dân Tây Tạng, đó là lãnh vực tâm linh.

Hơn 130,000 người Tây Tạng phải sống lưu vong. Nhiều tăng ni Tây Tạng đã phải bỏ xứ trốn sang nước khác bằng cách lội bộ vượt qua rặng Hy Mã Lạp Sơn hiểm nghèo.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, trốn khỏi Tây Tạng năm 1959, đã thôi không đòi độc lập cho Tây Tạng nữa, nhưng muốn cho vùng đất này được thêm quyền tự trị.

Các đại diện của đức Ðạt Lai Lạt Ma đã mở một loạt những cuộc thảo luận không chính thức với chính phủ Trung Quốc nhưng chưa đạt được một tiến bộ nào trong vấn đề này.