Số người nước ngoài xin nuôi ở Việt Nam ngày càng tăng

  • Matt Steinglass

Vào tháng 3, khi Angelina Jolie và Brad Pitt nhận một em bé người Việt Nam làm con nuôi, họ đã tạo nên một trong những sự huyên náo lớn nhất của giới truyền thông Việt Nam. Tuy nhiên, họ không phải là người duy nhất nhận nuôi trẻ em Việt Nam mặc dù chắc chắn họ là người nước ngoài nổi tiếng nhất xin con nuôi ở Việt Nam. Với việc nhận con nuôi ngày càng khó khăn ở Trung Quốc và các nơi khác, nhiều cha mẹ nuôi người Mỹ và Châu Âu đã quay sang Việt Nam.

Ông bà Jeff và Cerise Roth, Vinson đến Việt Nam vào cuối tháng 7 để hoàn thành một giấc mơ mà họ ấp ủ từ lâu.

Chúng tôi kết hôn với nhau đến nay đã gần 13 năm, và chúng tôi luôn biết rằng nếu chúng tôi quyết định có con, thì chúng tôi sẽ nhận con nuôi.

Gia đình Roth – Vinson là tình nguyện viên cho Đoàn Hoà Bình Hoa Kỳ. Họ sống ở tiểu bang Oregon, nơi ông Jeff là một thầy giáo trung học dạy khoa học và bà Cerise làm việc cho một tổ chức trao đổi giáo dục quốc tế.

Điều mới nhất trong gia đình họ là một cô bé nhỏ người Việt Nam tên Oriana.

Cô bé được 6 tháng rồi. Và khi chúng tôi nhận nuôi bé thì bé mới hơn 5 tháng tuổi. Như vậy chúng tôi đã có gần 1 tháng bên nhau.

Ông bà Jeff và Cerise là một phần của làn sóng đang lên cha mẹ người Mỹ xin con nuôi ở Việt Nam. Trong 6 tháng cuối năm 2006, 312 đứa trẻ Việt Nam đã được cha mẹ người Mỹ nhận làm con nuôi.

Trong nửa đầu của năm 2007, con số này tăng lên đến 418. Nhân viên tòa Đại sứ Mỹ dự đoán con số này sẽ còn tăng đến 1000 vào cuối năm.

Tiến sĩ Jane Aronson, một nhà tư vấn về nhận con nuôi ở New York, nói rằng có một số lý do cho con số các trường hợp nhận con nuôi này tăng lên.

Sự hấp dẫn của Việt Nam, tại thời điểm này và từ bấy lâu nay, là thủ tục xin con nuôi rất dễ chịu. Thủ tục này thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng, và những đứa trẻ được chăm sóc cẩn thận trong những ngôi nhà nhỏ cho trẻ em, và đó là một kinh nghiệm hay cho mọi người. Sự linh hoạt trong thủ tục cho cha mẹ đơn thân nhận con nuôi cũng rất dễ chịu.

Cha mẹ đơn thân thường tìm đến Trung Quốc để nhận con nuôi. Tuy nhiên Trung Quốc ban hành những luật lệ mới không cho phép cha mẹ đơn thân nhận con nuôi, luật này cũng áp dụng đối với những người bị béo phì và các cặp vợ chồng có tổng cộng hơn 2 lần ly hôn.

Trẻ em Trung Quốc vẫn chiếm con số lớn nhất trong số các trẻ em được người nước ngoài xin làm con nuôi, tuy nhiên con số này đang giảm xuống. Trong năm 2005, người Mỹ nhận gần 8000 trẻ em Trung Quốc làm con nuôi. Trong năm 2006, con số này giảm xuống chỉ còn 6500, và thời gian chờ đợi để được nhận em bé là 1 năm rưỡi.

Các nước Châu Á khác, như Nam triều tiên, cũng trở nên khắt khe hơn đối với việc cho người nước ngoài đến nhận con nuôi. Ở Campuchia, việc cho người nước ngoài xin con nuôi đã chấm dứt hoàn toàn bởi vì có quá nhiều tay môi giới xin con nuôi làm điều phi pháp – như mua trẻ em từ cha mẹ của chúng.

Tại Việt Nam cũng có tình trạng bất hợp pháp trong việc xin con nuôi vào những năm cuối của thập niên 90. Giám đốc Văn phòng xin con nuôi liên quốc gia, ông Vũ Đức Long, nói trong năm 2003, VN cấm tất cả các trường hợp cho con nuôi đến Mỹ và nhiều nước khác trong khi văn phòng đang sửa đổi thủ tục hành chính.

Trong năm 2003, Việt Nam áp dụng hệ thống mới và ký một thỏa thuận mới với Hoa Kỳ về vấn đề con nuôi.

Hoa Kỳ có một lịch sử phức tạp liên quan đến việc xin con nuôi ở Việt Nam. Năm 1975, trong những ngày tàn của cuộc chiến tranh Việt Nam, các tổ chức từ thiện của Mỹ đã sắp xếp Chiến dịch Babylift, một chiến dịch đã đưa hàng ngàn trẻ em đến Mỹ để cho làm con nuôi, nhằm cho các em thoát khỏi cái mà người Mỹ coi là mối đe doạ Cộng sản.

Hàng trăm trong số những trẻ em này đã thiệt mạng khi một chuyến máy bay bị lâm nạn trong khi đang cất cánh.

Tiếng dội này của lịch sử không phải là vấn đề với gia đình Roth – Vinsons. Ông Jeff nói vợ chồng ông đã chọn Việt Nam bởi vì đó là đất nước mà họ cảm thấy có một mối liên hệ.

Ông Jeff nói: "Rất dễ dàng để chúng tôi chọn Việt Nam. Một đất nước tuyệt vời, với một nền văn hoá và lịch sử phong phú, và có điều gì đó rất phù hợp với chúng tôi, bởi vì nền văn hóa của bé, nền văn hoá quê hương của bé, cũng sẽ là một phần cuộc sống của chúng tôi, trong suốt cả cuộc đời con bé, và suốt cả cuộc đời chúng tôi."

Đối với cô bé Oriana Roth-Vinson, những vấn đề lịch sử dường như cũng chẳng có gì là quan trọng.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để theo dõi toàn bộ bài tường trình: