Cảnh sát Miến Ðiện giải tán vụ biểu tình lần thứ ba trong tuần

Cảnh sát Miến Điện lại một lần nữa dùng vũ lực để giải tán một cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá xăng dầu. Cuộc biểu tình hôm nay là vụ phản kháng lần thứ 3 trong tuần này ở Miến Điện -- nơi hiếm khi xảy ra những cuộc tụ họp phản đối công khai. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Luis Ramirez gởi về bài tường thuật sau đây:

Tin tức từ Rangoon - thành phố chính của Miến Điện, cho biết: mấy mươi người biểu tình đã xuống đường ngày hôm nay nhưng họ đã nhanh chóng bị ngăn chận bởi các lực lượng an ninh và những người ủng hộ chính phủ. Theo lời những người mục kích sự việc, một số người biểu tình đã bị đánh đập, bị lôi lên xe của chính phủ để chở đi nơi khác.

Đây là cuộc biểu tình lần thứ ba trong tuần này, phát xuất từ việc chính phủ quân nhân Miến Điện quyết định tăng gấp đôi giá xăng dầu -- khiến cho đời sống của khối người vốn đã nghèo túng ở đây càng trở nên khó khăn hơn.

Miến Điện hiện nay là một trong những nước nghèo nhất thế giới, mặc dù quốc gia Đông Nam Á này có trữ lượng dầu lửa và khí đốt rất lớn và những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác rất phong phú. Họ cũng nhận được những khoản đầu tư rất đáng kể từ hai cường quốc kinh tế đang lên ở Châu Á là Trung quốc và Ấn độ.

Trong vài năm gần đây, tuy giá dầu trên thị trường thế giới đã tăng mạnh nhưng kinh tế của Miến Điện chỉ tăng trưởng với tỉ lệ 3% mỗi năm - thấp nhất trong số các quốc gia vùng Đông Nam Á.

Những người chỉ trích nói rằng: những khó khăn kinh tế của Miến Điện phát sinh từ việc quản lý sai trái của chính phủ quân nhân đã nắm quyền từ năm 1962 đến nay. Các khu vực kinh tế then chốt như năng lượng, sản xuất lúa gạo và công nghiệp nặng đều do quân đội nắm quyền kiểm soát.

Bà Debbie Stothard -- thuộc một tổ chức nhân quyền ở Bangkok có tên là "Mạng lưới Thay thế của ASEAN cho Miến Điện", nhận định như sau về giới lãnh đạo Miến Điện hiện nay:

"Có một điều rất mỉa mai là Miến Điện là một trong những nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới. Chỉ vì quốc gia này có một chính phủ cực kỳ vô trách nhiệm -- một chính phủ chỉ muốn dùng tiền để mua súng đạn chứ không mua lương thực cho người dân."

Trong quá khứ, quân đội Miến Điện đã không hề tỏ ra ngần ngại trong việc dùng sức mạnh để trấn áp những cuộc biểu tình, và lần này thái độ của họ cũng không có gì thay đổi. Nhiều nhân vật tranh đấu cho dân chủ đã bị bắt từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra hôm chúa nhật vừa qua. Hành động đàn áp bắt bớ này đã gặp phải sự chỉ trích của chính phủ Hoa Kỳ và nhiều nước khác.

Tuy bị đàn áp, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn - và theo bà Stothard, sự phẫn nộ của dân chúng đối với việc tăng giá xăng dầu cộng với tình trạng khốn khó nói chung của cả xã hội đang tạo ra một thách đố ngày càng lớn đối với quyền kiểm soát của chính quyền quân nhân. Bà Stothard cho biết thêm như sau:

"Tập đoàn cầm quyền đang cảm thấy bất an vì nền kinh tế đã bị họ quản lý sai lầm một cách nghiêm trọng. Lâu nay người dân Miến Điện vẫn phải sống trong cảnh giật gấu vá vai. Giờ đây giá xăng dầu lại tăng cao như vậy cho nên nhiều người không có đủ tiền mua xăng để lái xe đi làm, thậm chí còn không đủ tiền để mua thức ăn. Gần đây, giá thực phẩm đã tăng gấp đôi."

Lần chót mà người dân Miến Điện thực hiện những cuộc biểu tình qui mô lớn là vào năm 1988, và vụ phản kháng đó cũng phát sinh từ sự bất mãn đối với tình hình kinh tế. Khoảng 3,000 người đã thiệt mạng khi cuộc biểu tình bị chính quyền quân nhân đàn áp.