Tổng thống Bush đã nêu ra những điểm mà ông cho là tương đồng giữa hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam hồi trước và cuộc chiến Iraq hiện nay, bên cạnh cái giá mà nước Mỹ phải trả nếu vội vã triệt thoái ra khỏi Iraq.
Trong bài diễn văn đọc trước đại hội các cựu chiến binh Mỹ từng tham dự các cuộc chiến ở hải ngoại, diễn ra tại thành phố Kansas City ở Mỹ hôm thứ tư, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng 3 thập niên sau, đã có một cuộc tranh luận rất hợp lý về việc tại sao Mỹ dính líu tới Việt Nam, và bằng cách nào mà Mỹ đã rời khỏi Việt Nam.
Theo ông thì bất kể lập trường của mỗi người như thế nào trong cuộc tranh luận thì một di hại không thể chối cãi được của cuộc chiến tại Việt Nam là cuộc triệt thoái của Mỹ đã được trả bằng cái giá sinh mạng của nhiều triệu người vô tội.
Theo ông thì chính nỗi thống khổ của những người nầy đã tạo thêm trong tự điển Mỹ những cụm từ như “thuyền nhân”, “trại cải tạo” và “những trường chém giết”.
Phía các nhân vật đối lập trong đảng Dân Chủ Mỹ đã lập tức phản ứng với ý kiến của Nghị Sĩ Edward Kennedy cho rằng Tổng Thống Bush đã rút ra một bài học sai lầm từ cuộc chiến Việt Nam.
Ông Kennedy nói nước Mỹ thua tại Việt Nam vì binh sĩ Mỹ kẹt nghẽn ở một nước xa xôi và vì Mỹ ủng hộ một chính phủ không hội đủ tính hợp pháp đối với nhân dân.
Còn Nghị Sĩ Joe Biden, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Vụ Thượng Viện thì đưa ra một chi tiết tương đồng, theo đó thì các chính sách của Tổng Thống Bush đang đưa Mỹ tới một “thời điểm Saigon mới” bên Iraq, với các trực thăng Mỹ thoát đi từ mái toà đại sứ, là chuyện mà chính Tổng Thống nói là ông muốn tránh.
Cựu cố vấn tại Toà Bạch Ốc, ông David Gergen thì cho rằng ông Bush có thể vừa mưu lợi trong khi cũng sẽ gánh chịu nhiều cái hại khi gợi lại cuộc chiến Việt Nam.
Theo ông Gergen thì nếu đã học được nhiều điều từ Việt Nam thì tại sao Tổng Thống lại vướng vào một vũng lầy khác y như thế, Tuy nhiên ông Gergen đồng ý với ông Bush ở điểm là đã xảy ra những vụ tàn sát sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam.
Ngoài việc so sánh cuộc chiến Iraq với cuộc chiến Việt Nam, ông Bush cũng đã đề cập những cuộc chiến khác mà Mỹ đã tham dự tại Á Châu.
Ông nói là quân phiệt Nhật cũng như quân Cộng Sản ở Triều Tiên và Việt Nam được thúc đẩy bởi một cái nhìn vô tâm về một ý thức riêng mà họ muốn áp đặt lên nhân loại. Và họ sát hại người Mỹ chỉ vì Mỹ ngăn không cho họ thành tựu ý đồ cưỡng chế cái ý thức đó của họ lên những người khác.
Ngay cả giới quân nhân cũng đã có ý kiến sau bài nói chuyện của Tổng Thống Mỹ. Một người trong số nầy là Trung Tướng hồi hưu Daniel Christman, trước đây từng chỉ huy một đại đội thuộc sư đoàn 101 Không Vận trong cuộc chiến Việt Nam và trước khi hồi hưu năm 2001 thì đã là Chỉ Huy Trưởng Trường võ bị West Point trong 5 năm.
Cựu tướng lãnh nầy đồng ý với ông Bush khi cho rằng vội vã triệt thoái ra khỏi Iraq hầu như chắc chắn sẽ đưa tới tình trạng đổ máu nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, theo ông thì nếu cuộc rút quân diễn ra sau một giải pháp chính trị giữa các phe phái Iraq và sau khi các cơ chế quan trọng tỉ như Bộ Quốc Phòng và Bộ Nội Vụ Iraq được củng cố, thì nguy cơ xảy ra một trận tàn sát sẽ ít đi nhiều.
Theo ông thì những điểm tương đồng với cuộc chiến Việt Nam đã bị thổi phồng. Ông nầy cho rằng tình trạng ở Iraq với các thế lực tôn giáo và chính trị, rắc rối hơn nhiều so với Việt Nam. Ấy là chưa kể khu vực nầy còn quan trọng đối với Mỹ về mặt chiến lược hơn rất nhiều so với Việt Nam và vùng Ðông Nam Á dạo những năm 1960.
Tuy nhiên, cựu tướng Christman đã nhấn mạnh vào chủ điểm là chung cuộc, cả ở Việt Nam lẫn ở Iraq, cũng đều cần phải đạt tới một giải pháp chính trị. Theo ông thì về mặt quân sự, Mỹ đã thành công ở Việt Nam hồi trước cũng như đang thắng thế tại Iraq ngay lúc nầy; nhưng thắng lợi tại Iraq sẽ chẳng nghĩa lý gì nếu không đạt được một giải pháp chính trị giữa tất cả các phe phái Iraq.
Khi được hỏi là trong tư cách một quân nhân, cái nhìn của ông đối với sự kết thúc chiến trận tại Việt Nam như thế nào thì ông Christman cho rằng kết thúc cuộc chiến Việt Nam là một thảm hoạ đã trực tiếp ảnh hưởng đến cái nhìn đối với tài lãnh đạo và khả năng lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế.
Cũng theo ông thì bài học Việt Nam quan trọng nhất mà Mỹ có thể áp dụng được ở Iraq là Mỹ phải điều hướng các chiến thuật và chiến lược quân sự vào một mục tiêu chính trị mà mọi đảng phái đều có thể chấp nhận. Bởi vì nếu không thì tất cả các chiến thắng quân sự trên thế giới đều vô nghĩa như cuộc chiến ở Việt Nam đã cho thấy.
Người đang tranh để được đảng Cộng Hoà đề cử làm ứng viên trong cuộc tranh cử Tổng Thống Mỹ sắp tới, ông Rudy Giuliani, cho là nếu Mỹ rút ra khỏi Iraq thì hậu quả sẽ tệ hại hơn nhiều so với trường hợp Việt Nam. Chẳng những thế, ông còn cho rằng rút quân ra khỏi Iraq sẽ gia tăng quyền lực cho bọn khủng bố. Ông Giuliani nhận xét thêm là đối với Mỹ thì bọn khủng bố là những kẻ thù nguy hiểm hơn cả Cộng Sản bởi vì quân Cộng Sản chưa từng tấn công vào nước Mỹ.
Các chính khách Đảng Cộng Hoà cũng đang chia rẽ giữa chuyện triệt thoái và chuyện hậu thuẫn cuộc chiến bên Iraq. Trong khi đó thì tuy đồng thanh đòi triệt thoái, các chính khách Đảng Dân Chủ lại bất đồng về thời gian và nhịp độ triệt thoái.
Ông Giuliani lâu nay vẫn phê phán các đối thủ thuộc Đảng Dân Chủ là quá yếu trong cuộc chiến chống khủng bố. Vì ủng hộ cuộc chiến bên Iraq mà Nghị Sĩ John McCain, một cựu chiến binh và cựu tù binh trong cuộc chiến Việt Nam, bị mất tư thế dẫn đầu cuộc vận động tranh cử hiện nay trong đảng Cộng Hòa mặc dù vẫn chưa tác hại gì cho ông Giuliani.