Tổng thống Afghanistan kêu gọi Pakistan hợp tác chống khủng bố

  • Benjamin Sand

Các nhà lãnh đạo của Pakistan và Afghanistan đã lập lại lời kêu gọi cần phải có một sự hợp tác rộng rãi hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa quá khích tôn giáo. Hàng trăm đại biểu từ hai nước đã đến tham dự một hội nghị hòa giải quan trọng tại thủ đô Kabul của Afghanistan. Đề tài trọng tâm của hội nghị kéo dài bốn ngày này là ngăn chặn bạo động do các phần tử ủng hộ Taleban gây ra và cải thiện quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Trong bài diễn văn khai mạc trước gần 600 đại biểu sáng thứ năm vừa qua, Tổng Thống Hamid Karzai của Afghanistan đã vạch ra chiều hướng cho hội nghị hòa giải.

Tổng Thống Kazai nói rằng ông không có một chút nghi ngờ nào rằng nếu hai nước hợp tác với nhau, thì mục tiêu loại trừ chủ nghĩa khủng bố có thể đạt được ngay trong nay mai.

Cả hai nước đồng minh của Hoa Kỳ đang phải đương đầu với nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng bạo động đang tăng vọt, nhất là tại khu vực đầy biến động dọc biên giới giữa hai nước.

Tuy nhiên, những người chỉ trích không tin rằng hội nghị hòa giải này có thể mang lại những đổi đáng kể.

Các đại biểu tham dự hội nghị nói rằng các thế lực có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong khu vực không tham gia hội nghị này.

Trước hết là các đại diện tại địa phương của phe Taleban không được mời tham dự. Kế đến các bộ tộc ủng hộ Taleban trên lãnh thổ Pakistan đã quyết định tẩy chay hội nghị.

Và diễn biến cuối cùng vào hôm thứ tư vừa qua là Tổng Thống Pervez Musharraf của Pakistan bất ngờ hủy bỏ kế hoạch tham dự hội nghị vì những lo ngại về tình hình chính trị trong nước.

Các quan chức chính phủ Pakistan cho biết Tổng Thống Musharraf đang xem xét những biện pháp mới nhằm kiểm soát tình hình an ninh đang ngày càng xấu đi.

Thay mặt Tổng Thống Musharraf, Thủ Tướng Shaukat Aziz đã đến dự hội nghị hòa giải được Hoa Kỳ ủng hộ này.

Thủ Tướng Aziz nói rằng Pakistan cam kết ủng hộ hoàn toàn một giải pháp chung cho hai nước nhằm ngăn chặn tình trạng bạo động đang leo thang trong khu vực.

Ông Aziz cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng Pakistan ngầm ủng hộ cuộc nổi dậy của phe Taleban ở Afghanistan.

Trước tháng 9 năm 2001, Pakistan là một đồng minh then chốt của Taleban.

Sau vụ tấn công khủng bố tại New York và Washington, Pakistan đã cắt đứt các quan hệ với nhóm Hồi Giáo này và quay sang tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Tuy nhiên các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và Afghanistan nói rằng các lực lượng của Taleban đã lập căn cứ hoạt động tại các khu vực bộ tộc trên lãnh thổ của Pakistan nằm dọc theo biên giới với Afghanistan.

Chính phủ Pakistan đã triển khai 90,000 binh sĩ tại khu vực biên giới, và họ nói rằng Islamabad đang làm tất những gì có thể làm được để bảo vệ an ninh cho các khu vực bộ tộc của họ.

Ông Sayed Bokhari, một đại biểu Pakistan tại hội nghị, nói rằng cho đến nay hội nghị đã diễn ra tốt đẹp hơn so với trông đợi.

Ông Bokhari nói: "Khi chúng ta đối thoại với nhau, có rất nhiều điều hiểu lầm nhau được giải tỏa. Phía Afghanistan nghĩ rằng Pakistan chưa hành động đủ mạnh, còn Pakistan thì nghĩ rằng Afghanistan chưa hành động đủ mạnh. Do đó khi ngồi vào bàn đàm luận với nhau, chúng ta sẽ có dịp để giải quyết vấn đề này."

Trong những ngày tới thủ đô Kabul sẽ được được bảo vệ an ninh chặt chẽ. Xe cộ lẫn khách bộ hành không được phép tiến vào gần khu vực đang diễn ra hội nghị.

Theo kế hoạch, hội nghị hòa giải sẽ bế mạc vào chủ nhật này.