Các Hạn Chế Thương Mại của Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc dự trù áp dụng các biện pháp mới để giảm bớt lượng đầu tư vào các công nghiệp sử dụng nhiều lao động và chuyên sản xuất các sản phẩm giá rẻ để xuất khẩu. Các giới chức thương mại Trung Quốc cho hay: những biện pháp hạn chế này sẽ góp phần giảm bớt những mối căng thẳng về mậu dịch, thúc đẩy các xí nghiệp sản xuất những mặt hàng có giá trị cao hơn, và khuyến khích đầu tư vào các khu vực nghèo khó ở miền trung và miền tây. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng những biện pháp này sẽ không mang lại những kết quả đáng kể trong ngắn hạn và sẽ gây nhiều thiệt hại cho một số công ty, đặc biệt là những công ty có vốn đầu tư của Hồng Kông. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết:

Chính sách mới của Bộ Thương mại Trung Quốc, được loan báo hồi tháng trước, nhắm tới việc giảm bớt đà tăng trưởng của các hoạt động sản xuất những mặt hàng giá rẻ và sử dụng nhiều lao động.

Bắt đầu từ ngày 23 tháng 8, các công ty nhập khẩu những mặt hàng nằm trong danh sách hơn 1,800 sản phẩm -- bao gồm plastic, kim loại, và vải vóc, phải đóng tiền ký quĩ ít nhất là 50% của khoản thuế nhập khẩu. Những mặt hàng nhập khẩu này là nguyên vật liệu mà các công ty Trung Quốc vẫn dùng để sản xuất hàng vạn mặt hàng giá rẻ.

Những qui định mới sẽ khiến phí tổn của các nhà xuất khẩu Trung Quốc gia tăng hơn một tỉ đô la và giảm bớt khoản tiền mà họ vẫn dùng để chế tạo đồ chơi, các mặt hàng điện tử, quần áo, và những hàng hóa rẻ tiền.

Tại một cuộc họp báo mới đây ở Bắc Kinh, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp của Bộ Thương mại, bà Vương Cần Hoa nói rằng chính sách vừa kể có phần chắc sẽ được nới rộng thêm vào cuối năm nay, bởi vì Trung Quốc phải phát triển cơ sở sản xuất để làm ra thêm các sản phẩm đắt tiền hơn và có công nghệ cao hơn:

Bà Vương nói: "Đây là một trong các mục tiêu của chính sách điều chỉnh. Chúng tôi hy vọng rằng những xí nghiệp này sẽ nhân cuộc diện mới này mà điều chỉnh công cuộc sản xuất, gia tăng hàm lượng sở hữu trí tuệ trong các sản phẩm và phát triển các loại sản phẩm có giá trị cao hơn."

Chính sách mới này được loan báo sau khi giới hữu trách Trung Quốc áp dụng một loạt các biện pháp hạn chế nhằm giảm bớt đà gia tăng nhanh chóng của lượng hàng hoá xuất khẩu -- vốn là động lực chính thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Các mặt hàng chế tạo từ những nguyên vật liệu nhập khẩu hiện chiếm gần phân nửa số hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay, các mặt hàng này đã tăng 17%, lên tới hơn 440 tỉ đô la.

Các công ty Hồng Kông đầu tư vào gần phân nửa các hoạt động chế tạo của Trung Quốc và chính sách mới này có phần chắc sẽ gây thiệt hại cho họ nhiều nhất.

Ông Jeffery Lam là nghị viên của Viện Lập pháp Hồng Kông, đại diện cho Tổng Thương Hội của đặc khu hành chánh này. Ông nói rằng phần lớn các công ty Hồng Kông đầu tư ở Trung Quốc sẽ không có khả năng để đóng khoản tiền ký quỹ mà chính sách mới đã qui định:

Ông Lam nói: "Điều đó có nghĩa là hai hoặc ba tháng tiền lưu kim của họ sẽ bị siết lại, không thể dùng cho việc khác. Điều này sẽ tạo thêm một gánh nặng tài chánh. Chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng hạn chế cho giai đoạn hiện nay -- có thể là hoãn áp dụng các qui định mới cho đến cuối năm, sau khi cao điểm của mùa sản xuất đã trôi qua."

Ông Lam cho biết ông đang vận động để chính phủ hoãn áp dụng qui định mới và cho phép các công ty được dùng các khoản bảo chứng của ngân hàng hoặc tín dụng thư để ký quỹ, thay vì dùng tiền mặt.

Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng họ sẽ có những biện pháp để tạo dễ dàng cho các công ty trong thời gian chuyển tiếp, nhưng họ chưa xác định các biện pháp đó là gì.

Hầu hết các nhà sản xuất có thể được miễn thi hành những qui định mới bằng cách dời cơ sở của họ tới các khu vực nghèo khó ở miền trung và miền tây.

Ông Lam cho biết một số các nhà đầu tư Hồng Kông có thể sẽ phải di chuyển tới các khu vực có chi phí sản xuất thấp hơn, thậm chí phải dời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, việc di dời như thế phải mất từ hai tới 3 năm.

Các giới chức ở Bắc Kinh nói rằng những hạn chế về xuất khẩu sẽ giúp giảm bớt mối căng thẳng phát sinh từ lượng thặng dư mậu dịch khổng lồ của Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng thặng dư này đã lên cao tới mức kỷ lục là 112,5 tỉ đô la, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này làm gia tăng sự bất mãn của các đối tác thương mại chính -- như Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu.

Tuy nhiên, theo ông Tim Condon, kinh tế gia trưởng đặc trách Á châu của đại công ty tài chánh ING ở Singapore, thặng dư mậu dịch là một vấn đề dài hạn:

"Chúng ta có thể nói rằng căng thẳng mậu dịch là một thực tế của cuộc sống hiện nay. Căng thẳng mậu dịch của Trung Quốc sẽ từ những vấn đề liên quan tới cá sản phẩm giá trị thấp và dùng nhiều lao động chuyển sang những vấn đề của sản phẩm ở bậc cao hơn trong mắt xích giá trị, chỉ vì hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng cao theo mắt xích giá trị."

Các hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu các thành phẩm sử dụng hơn 30 triệu lao động ở Trung Quốc, và các biện pháp hạn chế mới được loan báo có phần chắc là sẽ khiến cho một số người bị mất công ăn việc làm vì các công ty sẽ giảm thiểu chi phí để duy trì khả năng cạnh tranh.

Kinh tế gia Condon nói rằng điều này cho thấy giới hữu trách Trung Quốc sẵn lòng để cho tỉ giá hối đoái của đồng nguyên được tăng thêm nữa:

Công Cordon nói: "Mối lo ngại về việc mất công ăn việc làm là yếu tố kiềm chế việc tăng giá đồng nguyên trong quá khứ ø. Họ e rằng những cơ sở sản xuất dùng nhiều lao động, đặc biệt là những cơ sở ở vùng duyên hải miền đông, sẽ dời đi nơi khác và Trung Quốc sẽ phải chật vật đối phó với nạn thất nghiệp. Bây giờ dường như họ tin là kinh tế của họ đã đủ vững mạnh để có thể tăng giá đồng nguyên mà không phải gánh chịu những tác động tiêu cực về công ăn việc làm như họ đã từng lo ngại."

Nhiều kinh tế gia và doanh gia nước ngoài cho rằng: Trung Quốc thao túng tỉ gia hối đoái của đồng nguyên để hàng hóa của họ được rẻ một cách giả tạo trên thị trường quốc tế. Sau nhiều năm gặp nhiều áp lực từ Hoa Kỳ và các đối tác thương mại khác, Bắc Kinh đã cho phép đồng nguyên được tăng giá từ từ - tỉ giá hiện nay của đồng tiền này đã tăng khoảng 9% trong hai năm qua. Tuy nhiên, nhiều thành viên của quốc hội Mỹ cho rằng tỉ giá hiện nay chưa đủ cao và họ đã đưa ra những dự luật để áp đặt thuế suất trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu giá trị đồng nguyên không gia tăng thêm nữa.