Iraq có thể lâm vào một 'cơn lốc' chính trị

  • Stephanie Ho

Lên tiếng trên đài truyền hình CNN hôm chủ nhật, cố vấn an ninh quốc gia Iraq đã lưu ý rằng Iraq có thể sẽ bị rơi vào một cơn lốc chính trị nếu như thủ tướng Nouri al-Maliki bị mất chức, giữa lúc có tin nói rằng một khối trong quốc hội Iraq đang chuẩn bị tổ chức một vụ biểu quyết bất tín nhiệm chính phủ của ông.

Cố vấn an ninh quốc gia Mowaffak al-Rubaie cho biết ông không ngạc nhiên là có những nhóm trong quốc hội mà ông mô tả là “cực đoan” và "quá khích" không hài lòng với chính phủ Iraq hiện nay.

Nhưng ông nhấn mạnh rằng thủ tướng Maliki đang tìm cách để tiến tới đoàn kết quốc gia và nói rằng chiều hướng đi tới hòa giải dân tộc có thể bị phá hỏng nếu như chính phủ của ông phải giải tán vì tranh chấp chính trị nội bộ.

Ông đoan quyết rằng trong trường hợp thủ tướng Maliki bị loại khỏi chức vụ thì bão tố sẽ nổi lên trong chính trường Iraq. Đây là điểm vô cũng hệ trọng mà Tây phương cũng như các nước Ả Rập và toàn thể các quốc gia Hồi giáo đều phải hiểu rõ.

Ông Rubaie nói rằng Iraq sẽ phải đối diện với những hỗn loạn chính trị và tình hình sẽ cực kỳ bất trắc nếu như chính phủ Maliki bị loại khỏi chính trường.

Tại Iraq, người ta thấy mối bất đồng ngày càng tăng giữa thủ tướng Maliki và đồng minh trước đây là giáo sỹ Hồi giáo Moqtada al-Sadr. Lực lượng bán quân sự của phong trào Sadr bị qui trách đứng đằng sau nhiều vụ bạo động vì phe phái tôn giáo;tình trạng này đã giết hại hàng ngàn người Iraq trong 2 năm qua.

Mới đây, thủ tướng Maliki đã chỉ trích giới lãnh đạo Sadr đã không giữ khoảng cách rõ ràng với những vụ bạo động đó. Đáp lại, nhiều phát ngôn viên của phong trào Sadr chỉ trích lãnh tụ Iraq là bù nhìn của Hoa Kỳ.

Ông Rubaie cũng rút lại những lời tuyên bố mà ông đưa ra hồi đầu năm nay về ảnh hưởng của Iran đối với quốc gia ông. Vào tháng 2, cố vấn an ninh quốc gia Rubaie nói rằng chính phủ ông có bằng chứng ảnh hưởng của Iran tại Iraq đang giảm bớt, nhưng bây giờ thì ông không nghĩ nnhư vậy.

Ông nói cái tiên liệu căn cứ vào mơ ước của ông hồi tháng 2 rõ ràng đã sai lầm,và điều không may mà mọi người chứng kiến lại là một số những can thiệp vào nội tình Iraq. Ông nói chính phủ Iraq phản đối sự kiện này, theo nghĩa mạnh nhất.

Lời nhận định của ông được đưa ra mấy ngày sau khi các giới chức quân sự Hoa Kỳ tại Iraq nói rằng họ có bằng chứng cho thấy là Iran giúp trang bị vũ khí cho các phần tử tranh đấu bạo động thuộc Hồi giáo Shia ở Iraq và giúp các phần tử này lập kế hoạch thực hiện những vụ tấn công chết người nhắm vào các lực lượng Hoa Kỳ đồn trú tại đó.

Đề tài chính sách Hoa Kỳ tại Iraq sẽ chiếm phần lớn nghị trình tại quốc hội Hoa Kỳ trong những tuần lễ sắp tới trong lúc các nhà làm luật Mỹ chuẩn bị tranh luận về những đề nghị rút quân và hạn chế ngân sách chi tiêu.