Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết cứ 10 năm thì qui mô nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng gấp đôi do đầu tư nước ngoài và việc cắt giảm thuế giúp duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt vào khoảng từ 8% đến 10% cho tới năm 2020.
Bản tin hôm chủ nhật của Bloomberg trích lời ông Nguyễn Sinh Hùng nói rằng nền kinh tế dự kiến sẽ tăng gấp đôi trước năm 2010 từ 441 ngàn tỉ đồng vào năm 2000 và sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trước năm 2020.
Chính phủ muốn tăng cường đầu tư nước ngoài trên cả nước từ 80 tỉ đô la vào cuối năm ngoái lên 100 tỉ đô la trước năm 2010 và giảm thuế doanh nghiệp xuống dưới 20% trước năm 2020.
Ông Hùng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang được tổ chức tại Singapore rằng “cứ 10 năm, quí vị sẽ thấy một nước Việt Nam mới” và rằng Việt Nam đang tìm cách tăng cường đầu tư nước ngoài va cắt giảm thuế dần dần trong thời gian trung hạn.
Chính phủ Việt Nam hy vọng với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào đầu năm thì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ vượt hơn 8% trong năm nay.
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7,7% trong quí đầu năm nay và theo lời ông David Cohen, giám đốc dự báo kinh tế của Action Economics có trụ sở tại Singapore thì mục tiêu tăng trưởng hơn 8% của Việt Nam là có thể đạt được. Ông nói Việt Nam có thể nhân cơ hội này để theo kịp các nền kinh tế khác và có thể đạt được mức tăng trưởng 10% trong một tương lai gần.
Ông Hùng cũng nói rằng chính phủ cũng dự kiến cắt giảm thuế cho các công ty xuống còn 25% vào năm 2009 so với mức thuế 29% hiện hành. Mức thuế này sẽ giảm xuống còn 20% trong 5 năm tới và có thể sẽ tiếp tục giảm khi nền kinh tế tăng trưởng, và trước năm 2020 thì mức thuế sẽ xuống dưới 20%. Ông Hùng nói thêm rằng các công ty cần vốn để tái đầu tư và việc cắt giảm thuế cũng quan trọng trong vấn đề tạo việc làm.
Bản tin của AFP cũng trích lời ông Nguyễn Sinh Hùng cho biết chính phủ sẽ phát hành khoảng 1 tỉ đô la trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế.
Ông Hùng cũng nhiều lần nhắc lại rằng Việt Nam cần hỗ trợ về đào tạo để giúp duy trì sự tăng trưởng. Ông Hùng đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng thế giới trên nhiều lĩnh vực trong đó có cả lao động phổ thông và công nghệ cao cũng như trong lĩnh vực quản lý.