Hơn một tháng trước đây, một thanh niên đã từng được chữa trị về bệnh tâm thần đã bắn chết 32 sinh viên và nhân viên của trường Đại Học Virginia Tech ở Hoa Kỳ, trước khi quay họng súng lại tự vẫn. Trong khi một nhóm nhà giáo dục vận động các nhà lập pháp Mỹ tại Hạ Viện hãy ủng hộ những chương trình tốt hơn để ngăn chận nguy cơ một thảm họa tương tự tái diễn, thì Trường Đại Học Virginia Tech đã tổ chức Lễ trao bằng cho sinh viên của nhà trường, kể cả một số sinh viên và nghiên cứu sinh đã thiệt mạng trong vụ bắn giết bữa bãi xảy ra trong khuôn viên trường đại học này. Trong số các sinh viên đã qua đời được trao bằng, có một nghiên cứu sinh người Indonesia. Cha mẹ của anh sinh viên này đã thay mặt con, lên nhận văn bằng Tiến Sĩ. Trong bài sau đây, mời quý vị cùng Hoài Hương theo dõi bài tường trình về lễ trao bằng tại Trường Virginia Tech, và những vận động để tăng cường an ninh tại các trường học ở Hoa Kỳ, và cùng lúc cải thiện các dịch vụ cố vấn tâm lý cho sinh viên.
Trong tuần lễ đầu tiên của tháng 5, trường đại học Virginia Tech đã làm lễ tốt nghiệp cho sinh viên của nhà trường. Trong số các sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp, có cả các sinh viên đã thiệt mạng trong vụ bắn giết bữa bãi xảy ra trong khuôn viên trường đại học này cách đây không lâu: 18 sinh viên được coi như đã hoàn tất chương trình đại học, và 5 nghiên cứu sinh được cấp bằng hậu đại học. Một trong các nghiên cứu sinh là một thanh niên Indonesia, mà tương lai đầy hứa hẹn đã bị cắt ngang trong thảm họa tại Virginia Tech. Biên tập viên Sodang Sirait thuộc Ban tiếng Indonesia của đài VOA có mặt trong buỗi lễ tốt nghiệp, và thuật lại như sau:
”Đối với thân nhân các sinh viên quá cố được truy bằng, thì giây phút này mang lại nhiều xúc cảm, niềm tự hào vô biên của bậc cha mẹ về sự thành công của đứa con yêu, pha lẫn với niềm đau xót khôn nguôi về sự mất mát quá to lớn... Đó là cảm xúc của ông bà Lumbantoruan khi bước lên bục nhận văn bằng Tiến Sĩ, thay mặt cho người con trai đã quá cố. Anh Partahi Mamora, thường được bạn bè gọi là Mora, là một thanh niên mà tương lai đầy hứa hẹn đã bị cắt ngang trong tháng Tư vừa qua”.
Đối với cả gia đình Lumbantoruan thì thảm họa đã xảy ra tại Trường Virginia Tech hãy còn là một vết thương gây nhiều đau đớn. Người mẹ vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận thực tế, rằng bà đã thực sự đánh mất niềm hy vọng duy nhất trong đời.
Người cha, một trung tá hồi hưu, luôn đeo bên mình một sợi dây chuyền có gắn tấm ảnh của Mora, trên ngón tay ông là một chiếc nhẫn có khắc tên của người con trai yêu quý, một chiếc đồng hồ của Mora trên cổ tay, và trong túi, chiếc ví của cậu con hãy còn một sấp tiền đôla giấy còn đọng vết máu. Mặc dù vậy, ông nói ông trong lòng ông, không vấn vương một cảm giác thù hận nào đối với kẻ đã giết chết con ông. Và gia đình ông không đâm đơn kiện tụng ai cả.
"Chúng tôi hy vọng rằng cái chết của con chúng tôi sẽ mang lại hòa bình, an bình, lòng thương yêu và sự tha thứ. Chúng tôi tha thứ kẻ sát nhân đã bắn chết Mora một cách tàn bạo, và cầu nguyện Thượng Đế thứ lỗi cho anh ta."
Mora là một trong 16 sinh viên người Indonesia theo học tại Trường Virginia Tech. Anh là một nghiên cứu sinh xuất sắc đang ra sức lấy học vị Tiến Sĩ Kỹ Sư về môi sinh và Tài Nguyên Nước, sau khi đã đoạt được bằng kỹ sư địa chất và công nghệ.
Giáo Sư Panos Diplas, một chuyên gia của Đại Học Virginia Tech là một trong hai giáo sư cố vấn cho Mora.
Giáo sư Diplas nói: "Trước khi thảm họa xảy ra, chúng tôi đã tìm cách phối hợp giữa khả năng chuyên môn của Mora trong lĩnh vực công nghệ địa lý với một số vấn đề khác về tài nguyên nước, để thực hiện một dự án nhằm tận dụng sự hiểu biết của anh về công nghệ địa lý, để đi đến một phát hiện mới trong lĩnh vực quản lý môi sinh và tài nguyên nước."
Giáo sư cố vấn thứ nhì của Mora là giáo sư Marte Gutierrez, giảng dạy môn công nghệ địa lý. Vào lúc Mora bị bắn chết, giáo sư Gutierrez đang chờ đợi kết quả một cuộc nghiên cứu mà hai thầy trò đã thực hiện về cách thiết kế những phương thức tốt đẹp hơn để giúp xe hơi di chuyển trên những mặt bằng có nhiều vật cản trở.
Nhưng điều đã để lại ấn tượng sâu đậm nhất nơi Giáo Sư Marte Gutierrez, là sự thông minh và thái độ lịch sự từ tốn của chàng sinh viên Mora. Giáo sư Gutierrez cho biết dự định của ông mở một trang web để tưởng niệm người sinh viên mà ông hằng yêu mến.
"Chúng ta không nên tưởng niệm cách thức Mora đã chết, mà phải vinh danh cách anh đã sống, chúng ta hãy nhớ Mora đã tìm cách cải thiện đời sống của chính anh, và hy vọng rằng anh vẫn tiếp tục là một tấm gương để nhiều người trẻ tuổi muốn tiếp tục đeo đuổi con đường học vấn và cải thiện cuộc sống của mình noi theo. Bởi vì tìm hiểu về cách Mora sống sẽ giúp chúng ta trở nên một con người tốt đẹp hơn."
Trong khi gia đình những sinh viên quá cố vẫn chưa chấp nhận thực trạng sau nỗi mất mát quá lớn thì vào ngày 15 tháng Năm, một nhóm nhà giáo dục đã ra điều trần trước một ủy ban Quốc Hội Hoa Kỳ. Họ nói muốn tránh một thảm kịch tương tự như tại trường đại học Virginia Tech, thì các trường đại học phải cải thiện những dịch vụ cố vấn cho sinh viên, đồng thời cải thiện hệ thống liên lạc thông tin và các hệ thống ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Ông Dewey Cornell là một chuyên gia về giới trẻ và bạo động thuộc trường đại học Virginia. Ông nói rằng những vụ giết người xảy ra tại các trường học trên thực tế đã giảm thiểu, và các chương trình phòng chống có thể giảm mức bạo động xuống phân nửa.
Ông Cornell nói: "Các trường học và trường đại học của chúng ta nói chung đều an toàn, thế nhưng trong một đất nước có hàng ngàn ngôi trường, ngay cả những biến cố hiếm khi xảy ra, người ta cũng có cảm giác là xảy ra thường xuyên một cách đáng lo ngại, và như thế nhận thức của chúng ta về vấn đề an toàn bị bóp méo. Chúng ta phải tránh đừng phản ứng quá đáng trước những biến cố hiếm hoi, mà phải dùng các phương pháp phòng ngừa tốt đẹp hơn, để thẩm định mức đe dọa."
Thẩm định mối đe dọa ấy bao gồm việc tìm đến giúp những sinh viên gặp khó khăn, trước khi họ biểu lộ mối đe dọa ấy bằng hành động, khởi đầu cho một sự leo thang có thể dẫn đến bạo động. Ông Cornell quy lỗi một phần vấn đề cho tình trạng thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các trường, ông nói ngoảnh mặt làm ngơ hoặc trục xuất một sinh viên, không bảo vệ được nhà trường.
Ông nhận định tiếp như sau: "Vụ bắn giết bừa bãi tại Trường Virginia Tech dường như là hành động của một cá nhân mắc bệnh đa nghi, hoang tưởng và có ý định quyên sinh. Vụ bắn giết do đó là một sự biểu hiện của bệnh tâm thần hơn là một vấn đề liên quan tới trường học. Các trường phải lo liệu cho nhiều sinh viên có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở mức độ nghiêm trọng. Thế mà số nhân viên của trường, và tài nguyên của trường chỉ có giới hạn, và tập trung vào các chương trình chữa trị ngắn hạn."
Một số người chỉ trích nói rằng đã có thể tránh được một số những cái chết oan uổng ấy, nếu như nhiều sinh viên hơn biết được những gì đang xảy ra, khi có nguy biến.
Nhưng nhiều chuyên viên y tế nói rằng vụ bắn giết tại Trường Virginia Tech là một sự cố hiếm hoi và hầu như không thể nào có thể đoán trước. Bà Jan Walbert, người cầm đầu Hội Quốc Gia các nhà quản trị sinh viên, nói ngay cả trong các trường hợp hiếm hoi như thế, giới hữu trách cũng phải làm đủ mọi cách để ngăn chận bạo động xảy ra.
Bà Walbert nói: "Thực tế là sinh viên thường có khuynh hướng hay tâm sự với một sinh viên khác, hơn là nói chuyện với một nhà quản trị tại nhà trường. Do đó, chúng ta phải thiết đặt sẵn một hệ thống để sử dụng đường dây liên lạc ấy một cách hữu hiệu hơn, như nhiều nhà trường đang làm."
Ông Dewey Cornell, chuyên gia về giới trẻ và vấn đề bạo động của trường đại học Virginia, nói có một số người ủng hộ giải pháp nên giảm bớt quyền riêng tư của các sinh viên tìm đến những dịch vụ cố vấn tâm lý. Nhưng làm như thế sẽ ngăn cản các sinh viên muốn xin được giúp đỡ khi gặp khó khăn tâm lý, kể cả một số người mà không ai ngờ một ngày nào đó, có thể thực hiện những hành động bạo động.