Mười người bị bắt giữ ở California vì âm mưu lật đổ chính phủ Lào

  • Mike O’Sullivan

Mười người đang bị câu lưu ở California vì bị cáo buộc là âm mưu lật đổ chính quyền nước Lào. Trong số những người bị tố giác, có một vị cựu tướng lãnh của Lào và một sĩ quan quân đội Mỹ hồi hưu.

Một cuộc điều tra bí mật mang tên là “Operation Tarnished Eagle” đã đưa đến việc truy tố 9 người hồi hôm qua, và một người thứ 10 cũng sắp bị cáo buộc. Các nhân viên điều tra cho biết những người bị tố giác đã hội họp trong những phòng khách sạn và nhà hàng ở thành phố Central Valley, thuộc tiểu bang California.

Nơi đây, họ đã âm mưu mua hàng trăm khẩu súng tự động, phi đạn chống tăng, hỏa tiễn, mìn, chất nổ C-4 và lựu đạn khói. Giới hữu trách nói rằng nhóm đồng mưu này hoạch định gửi vũ khí qua ngả Thái Lan và Lào. Những người lính đánh thuê sẽ nhận vũ khí để phá nổ các cơ sở chính quyền và ám sát các viên chức ở Lào trong âm mưu lật đổ chính quyền cộng sản của nước này.

Trong số những người bị cáo buộc có ông Vang Pao, năm nay 77 tuổi. Ông là một cựu tướng lãnh của Lào và hiện là một người lãnh đạo cộng đồng người Hmong ở California. Vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, ông Vang Pao đã lãnh đạo người sắc tộc Hmong, ủng hộ Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống du kích quân cộng sản.

Hiện ông sống ở Quận Cam, gần Los Angeles, nơi sinh cư của nhiều di dân từ đông nam Châu Á. Cùng bị cáo buộc với ông Vang Pao còn có ông Harrison Jack, 60 tuổi, một cựu chiến binh Hoa Kỳ và từng giữ chức trung tá trong đội Vệ binh Quốc gia của California. Ông Jack tốt nghiệp trường võ bị Hoa Kỳ ở West Point năm 1968.

Ông Steve Martin, một điệp viên phụ trách văn phòng ở San Francisco của Cơ quan Kiểm soát Rượu, Thuốc Lá, Vũ khí và Chất nổ cho biết nhà chức trách không biết nhiều về động cơ thúc đẩy ông Jack tham gia nhóm này.

Ông Martin nói: “Chúng tôi chỉ biết là ông đã phục vụ nhiều lần ở Việt Nam vào cuối thập niên 1960, đầu thập niên ’70. Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ vì thế mà ông có liên hệ với một số người Hmong.”

Tất cả những người bị cáo buộc là người Hmong, nhưng theo một công tố viên thì hầu hết, nếu không phải là tất cả, đều mang quốc tịch Hoa Kỳ. Một giới chức nói rằng cuộc điều tra giống như một truyện phim, nhưng lại là sự thực. Vụ này có liên quan đến 2 cơ quan thi hành công lực của liên bang, và Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp Chống Khủng bố.

Một điệp viên mật đã giả dạng làm người mua bán vũ khí để thu thập bằng chứng trong vụ này, và sau đó, 200 điệp viên đã thực hiện việc bắt giữ 9 người trong những vụ bố ráp trước rạng đông ngày hôm qua. Dựa vào tin tức về những vụ bố ráp, nghi can thứ 10 đã bị bắt khoảng trưa hôm qua. Công tố viên Robert Twiss, một phó biện lý tòa án phụ trách khu vực đông California, cho biết nhóm tổ chức hy vọng thực hiện âm mưu trong tháng này.

Ông Twiss nói: “Số vũ khí định đưa lần đầu vào Đông Nam Á gồm 125 khẩu AK-47, 20 ngàn viên đạn và một số lựu đạn khói. Đợt chuyển vũ khí này dự định thực hiện vào ngày 12 tháng 6. Chi phí cho việc này là 100 ngàn đôla.”

Đợt thứ nhì, gồm những phi đạn Stinger chống tăng, được định đưa đến nơi vào ngày 19 tháng 6. Ông Twiss cho biết điệp viên bí mật đã được yêu cầu cung cấp 24 lính đánh thuê để lãnh đạo chiến dịch.Tất cả các bị cáo đều bị truy tố về tội âm mưu vi phạm Bộ luật Trung lập của Hoa Kỳ, âm mưu ám sát và bắt cóc những người nước ngoài và phá hoại các cơ sở chính quyền nước ngoài, và sở hữu vũ khí.

Nếu bị kết tội, họ có thể bị án tù chung thân. 6 bị cáo cũng bị truy tố về tội âm mưu thủ đắc phi đạn Stinger, một tội có thể bị tù ít nhất 25 năm.Nhà chức trách cho biết các bị cáo nói rằng họ có nhiều cộng sự viên tại chỗ ở đông nam châu Á, và một số đã thực hiện những cuộc thám sát mục tiêu ở Lào.

Giới hữu trách Hoa Kỳ cho hay đang nghiên cứu các bằng chứng thu thập được trong những vụ bắt giữ hôm qua và có thể thực hiện thêm những vụ bắt giữ nữa.