Những điều nên và không nên làm khi diện kiến nữ hoàng Anh

Hôm nay, thứ năm, giờ miền đông Hoa Kỳ, nữ hoàng Anh cùng phu quân đến tiểu bang Virginia, để thăm lại phần đất xưa kia là một trong những thuộc địa đầu tiên của Anh tại lục địa Bắc Mỹ và tiếp xúc với dân chúng nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày thành lập khu định cư Jamestown tại Virginia. Nhân dịp này, chúng tôi sẽ lược thuật về lịch sử của Jamestown và một số những nghi thức cần có để chuẩn bị sẵn sàng nếu người dân có dịp may được diện kiến nữ hoàng. Mời quí vị theo dõi câu chuyện với ông Đỗ Diễn Nhi, cựu giáo chức từng phụ trách môn sử địa ở một trường trung học của bang Virginia.

Mỹ và Anh có những liên hệ chặt chẽ về lịch sử, điển hình là khu lập cư Jamestown và vùng đất mà ngày nay là bang Virginia. Những khu định cư đầu tiên của người Anh tại lục địa Bắc Mỹ có những nguồn gốc khác nhau, mời quí thính giả nghe cựu giáo chức Đỗ Diễn Nhi từng phụ trách môn sử địa tại một trường trung học bang Virginia, giải thích:

Ba chiếc tàu chở những nhà thám hiểm và dồ tiếp liệu đã băng ngang qua Đại Tây Dương để đến tân thế giới. Vào ngày 14 tháng 5, những người này cập vào một hòn đảo ở mỏm phía nam của vịnh Chesapeake.

Tính tổng cộng có 104 người vừa đàn ông lẫn trẻ trai. Ngay sau đó họ lập tức bắt đầu tạo dựng một khu định cư ngay bên bờ con sông James và đặt tên cho khu định cư này là Jamestown.

Vua James đệ nhất của nước Anh đã đồng ý gửi những nhà thám hiểm của công ty Virginia đến thiết lập một khu định cư tại lục địa bắc Mỹ. Họ được lệnh đi tìm vàng và một thủy lộ để kiếm đường sang đông phương.

Dĩ nhiên là đời sống của họ cực kỳ gian nan, vừa phải chống chọi với những thiếu thốn vật chất, bệnh tật cũng như các vụ tấn công của người da đỏ, lại còn phải đối mặt với sự buồn nản thiếu vắng khung cảnh gia đình, nên khu lập cư này đã chết đi sống lại nhiều lần và chưa đầy 100 năm sau, một người đi khai thác thuộc địa tên Nathaniel Bacon cầm đầu một vụ nổi loạn đã thiêu rụi hết khu lập cư này và từ đó Jamestown không bao giờ sống lại được nữa, và thủ phủ của thuộc địa Virginia được dọn sang Williamsburg ở gần đấy.

Ngày nay Jamestown, được tái tạo lại sau này để duy trì một lịch sử về thời thuộc địa, không được nhiều người biết đến như Williamsburg, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Virginia.

Chiều thứ năm 3 tháng 5, giờ miền đông Hoa Kỳ, nữ hoàng Elizabeth đệ nhị cùng phu quân và đoàn tùy tùng của bà sẽ đặt chân đến Richmond, thủ phủ hiện nay của bang Virginia. Bà sẽ đi thăm dân tình, tham gia các lễ lạc ở Jamestown và Williamsburg cũng như thăm nhiều nơi khác. Cũng vì thế mà có cơ may rất cao cho người dân thường sinh sống ở Virginia và Washington, D.C được diện kiến nữ hoàng.

Trong suốt thời gian hơn 50 năm trị vì, nữ hoàng Anh được mọi người mến mộ, tuy nhiên đối với người dân thường tại Hoa Kỳ, một quốc gia không hề có một vị vua chúa nào cai trị, họ không thông hiểu những triều nghi, nên cả 10 ngày trước khi nữ hoàng sang thăm nước Mỹ, báo chí, truyền thanh và truyền hình Hoa Kỳ đã dặn dò người dân thật cẩn thận là nên hoặc không nên làm gì khi bất chợt được diện kiến nữ hoàng.

Lời khuyên trước tiên là hãy tự nhiên và thoải mái khi được diện kiến nữ hoàng. Dân chúng cũng không phải khuỵu gối, cúi rạp người chào nữ hoàng. Đây là một đòi hỏi đã cũ xưa rồi, mặc dù một số những người thuộc thế hệ lớn tuổi vẫn còn giữ thói quen đó.

Khi được thăm hỏi, người đối thoại không được gọi nữ hàng bằng “Queen” hay “Queenie” thân mật kiểu... rất Mỹ!, mà phải là “Your Majesty” (Tâu lệnh bà), hoặc là “Ma’am”

Thế khi diện kiến nữ hoàng, người dân có nên đưa tay ra để bắt tay bà hay không ?
Lời khuyên là: không nên, trừ phi nữ hoàng đưa tay ra trước, và khi bắt tay phải thật nhẹ nhàng chứ đừng lấy làm hân hạnh mà siết tay bà thật chặt, đây là điều tối kỵ.

Còn đối với những phụ nữ có chức phận được tiếp xúc với nữ hoàng thì sao ? Cựu giáo chức Đỗ Diễn Nhi cho biết thêm:

Trong lần viếng thăm nước Mỹ năm 1957 để kỷ niệm 350 ngày thành lập Jmaestown, nữ hoàng Anh 31 tuổi, mới lên ngôi có mấy năm. Lúc ấy, bà là một thiếu phụ còn rất trẻ và tươi tắn bên cạnh phu quân là hoàng tế Philip đẹp trai của bà. Giờ đây đã 81, trải qua nhiều biến đổi trong hoàng gia, bà là một hình ảnh uy nghi, cổ kính của một nước Anh với bề dầy lịch sử phong phú. Đi thăm thuộc địa cũ lần này, nữ hoàng cũng sẽ ngự trên cỗ xe ngưa lộng lẫy, cổ xưa qua con phố chính của thành phố thuộc địa Williamsburg, và người dân tại đây một lần nữa sẽ lại được chứng kiến lịch sử diễn ra ngay trước mắt.