Hơn 400 người Bắc Triều Tiên đang bị giữ tại Thái Lan vừa chấm dứt hai ngày tuyệt thực. Những người tị nạn này phản đối chính phủ Nam Triều Tiên trì hoãn trong việc giúp họ tái định cư ở Nam Triều Tiên. Phái viên Kurt Achin của Đài VOA từ thủ đô Hán Thành tường trình về những cam kết của chính phủ Nam Triều Tiên khiến chấm dứt được cuộc tuyệt thực này.
Những người ủng hộ những người Bắc Triều Tiên đang tị nạn tại Thái lan nói rằng những người tị nạn này đã bắt đầu ăn uống trở lại tối thứ năm. 100 người đàn ông và 314 phụ nữ đã bắt đầu tuyệt thực từ chiều thứ ba để phản đối điều mà họ gọi là sự trì hoãn của chính phủ Nam Triều Tiên hàng mấy tháng qua trong việc giúp đỡ họ.
Theo luật của Nam Triều Tiên, những người chạy khỏi Bắc Triều Tiên sẽ tự động được hưởng quy chế là công dân Nam Triều Tiên và được chính phủ giúp họ tái định cư. Hiện có khoảng trên 10 ngàn người trốn khỏi Bắc Triều Tiên đang sống ở Nam Triều Tiên. Đa số họ trốn khỏi Bắc Triều Tiên trong vòng 10 năm qua để thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng và sự đàn áp về chính trị của nước này.
Theo chính sách thì các giới chức Nam Triều Tiên không công khai bình luận về những vấn đề liên quan đến người tị nạn Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Ở chỗ riêng tư, họ khẳng định rằng Hán Thành đã có một thỏa thuận với Bangkok để đưa 25 người Bắc Triều Tiên đến Nam Triều Tiên trước ngày thứ bảy này. Thỏa thuận này quy định rằng những người tị nạn còn lại sẽ được đưa dần về Nam Triều Tiên – mỗi tháng 20 người.
Ông Peter Jung, một nhà hoạt động giúp những người tị nạn Bắc Triều Tiên ở Hán Thành đã chỉ trích Hán Thành để xảy ra vụ lộn xộn mới nhất này.
Ông Jung nói rằng Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên đang trong quá trình chuyển đổi và bổ nhiệm các nhân viên ngoại giao cao cấp sang làm việc tại Đại sứ quán Nam Triều Tiên ở Bangkok, vì thế không có các giới chức tại đây để thúc đẩy việc tái định cư những người tị nạn Bắc Triều Tiên. Ông Jung cũng nói thêm rằng cuộc tuyệt thực của những người tị nạn Bắc Triều Tiên, và sự chú ý của báo chí đã thúc đẩy chính phủ hai nước phải hành động.
Vấn đề những người trốn khỏi Bắc Triều Tiên là một trong những khía cạnh nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa hai nước Nam – Bắc Triều Tiên. Theo chính sách giao tiếp tích cực với Miền Bắc, Nam Triều Tiên thận trọng tránh chỉ trích hoặc đối đầu với Bình Nhưỡng, và nói rằng những hành động như vậy sẽ tạo ra nguy cơ bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.
Chính phủ Nam Triều Tiên đã dùng máy bay đưa trên 400 người Bắc Triều Tiên về Nam Triều Tiên từ Việt Nam vào năm 2004, khiến Bình Nhưỡng hết sức bất mãn. Các giới chức Nam Triều Tiên tại Hán Thành nói rằng họ không có ý định sẽ tổ chức việc vận chuyển đông như vậy nữa.
Các chuyên gia nói rằng cả Trung Quốc và Nam Triều Tiên đều rất muốn tránh bất kỳ hành động nào có thể khiến cho dòng người tị nạn chạy ồ ạt từ Bắc Triều Tiên sang. Cả hai nước đều e ngại rằng dòng người chạy tị nạn từ Bắc Triều Tiên sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng về an ninh, và làm cho các nguồn kinh tế của Trung Quốc và Nam Triều Tiên bị cạn kiệt.