Việt Nam đang cổ phần hóa các cơ sở kinh doanh từ ngân hàng cho đến các công ty năng lượng và viễn thông. Tuy nhiên, một kế hoạch thả nổi các cổ phần của một bệnh viện nhà nước đã gặp bế tắc.
Các tổ chức xã hội phản đối kế hoạch cổ phần hóa một phần một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở thử nghiệm, mặc dù nhà nước vẫn giữ lại 60% số cổ phần.
Một viên chức cao cấp trong Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh được báo Saigon Giải Phóng trích thuật nói rằng kế hoạch cổ phần hóa thử nghiệm là quá sớm và không thích đáng.
Các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin các giới chức trong ngành y tế cũng tỏ ra lo ngại rằng một bệnh viện thuộc quyền sở hữu tư nhân một phần sẽ tăng giá cả điều trị khiến cho người nghèo không chịu nổi.
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước với khối dân 8 triệu có khoảng cách biệt về thu nhập ngày càng tăng. Đây là một mối quan tâm của chính phủ mặc dù đã mở cửa nền kinh tế cho các lực lượng thị trường để giảm nghèo và thúc đẩy phát triển.
Mạng lưới y tế và các bệnh viện của Việt Nam do nhà nước quản lý đang gặp khó khăn trong việc điều trị một khối dân dễ bị nhiều chứng bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm.
Các số liệu của nhà nước cho thấy khu vực y tế chỉ chiếm có 1,45% tổng sản lượng quốc dân, sụt giảm so với tỷ lệ 1,48% trong năm 2004.
Chăm sóc y tế không được liệt kê là một khu vực nhà nước phải làm chủ các cơ sở như chẩn y viện và bệnh viện.
Bộ Y tế và chính quyền thành phố đã chọn bệnh viện Bình Dân làm thí điểm tái cấu trúc; bệnh viện này được đánh giá 90 tỷ đồng, tương đương với 5,6 triệu đôla.
Theo kế hoạch, sau khi bán 20% cổ phần cho người ngoài v 20% cho nhân viên, nhà nước vẫn còn nắm 60% cổ phần.
Các giới chức bệnh viện Bình Dân đã không trả lời câu hỏi của hãng thông tấn Reuters.
Tại một phiên họp công khai trong tháng này, các nhà trí thức và tổ chức xã hội phản đối việc cổ phần hóa các bệnh viện và trường học, là những cơ sở do nhà nước quản lý.
Một luật sư được trích dẫn đã tuyên bố tại cuộc họp này rằng các nhà đầu tư tư nhân lớn sẽ đẩy hoạt động của các cơ sở này theo hướng thương mại kiếm lời, và điều này có thể tác động đến các mục tiêu giáo dục và y tế cho tất cả 84 triêu người Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ tháng này, bác sĩ giám đốc bệnh viện Bình Dân nói rằng bệnh viện sẽ cố gắng hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo nếu như bệnh viện được đưa ra chào sàn chứng khoán.
Chỉ có 3 trong số 107 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh là thuộc khu vực y tế.