Tương lai chương trình vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ

Các dân biểu tại hạ viện Mỹ đang cứu xét những yêu cầu về ngân sách của chính quyền tổng thống Bush dùng cho việc chế tạo những vũ khí hạt nhân mới. Theo những người ủng hộ thì kế hoạch này sẽ giúp chế được những đầu đạn hạt nhân an toàn hơn. Những người chỉ trích thì nói rằng dự tính này có thể làm hỏng những nỗ lực toàn cầu để cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Hôm thứ năm, một tiểu ban chuẩn chi hạ viện đã nghe điều trần của hai phe chống lẫn ủng hộ cho kế hoạch vũ khí này.

Dân biểu đảng Dân chủ, ông Peter Visclosky, chủ tịch tiểu ban có trách nhiệm tài trợ cho các chương trình vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ, nói rằng vấn đề đang được cứu xét ở đây hoàn toàn không phải là liệu Hoa Kỳ có nên có vũ khí hạt nhân hay không.

Ông nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trông cậy vào kho vũ khí hạt nhân an toàn và đáng tin cậy để răn đe hầu giữ an ninh cho quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ cần phải có nhiều vũ khí hạt nhân hơn là mức cần thiết dành cho mục đích ấy.

Hạ viện đang cứu xét một đề nghị phát triển vũ khí được gọi là dầu đạn thay thế đáng tin cậy, mà theo những người ủng hộ thì loại đầu đạn này rất cần thiết để bảo đảm cho an ninh của Hoa Kỳ trong tương lai, bảo đảm tính khả tín và an ninh của kho vũ khí hạt nhân Hoa Kỳ. Những vũ khí mới sẽ được chứng nhận mà không cần phải thử nghiệm vì các vụ thử nghiệm đã bị Bản Hiệp Ước Cấm thí Nghiệm Vũ Khí Hạt Nhân Toàn Diện ngăn cấm.

Vào tháng 3, bộ Năng Lượng Hoa Kỳ đã loan báo việc chọn đồ án và đã yêu cầu tài khóa năm 2008 cứu xét 89 triệu đô la cho đồ án và triển khai ước tính về phí khoản.

Tướng James Cartwright, Tư Lệnh Chiến Lược Hoa Kỳ, phân bộ chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ và những hoạt động ngoài không gian, nói với các nhà làm luật rằng thiết kế của loại vũ khí hạt nhân mới sẽ giúp sản xaut những đầu đạn hiện đại hơn, an toàn hơn và phí tổn bảo trì sẽ hạ hơn là duy trì kho vũ khí hiện nay.

Ông nói có những tiến trình sản xuất và lề lối tiếp cận công nghiệp của thế kỷ thứ 21, giúp chúng ta xử lý được những khó khăn, không cần phải tồn kho một lượng vũ khí thật lớn, nhưng với tiến trình sản xuất nhanh và gọn, và giúp hạ thấp phí tổn dành cho kho vũ khí dự trữ này.

Các chuyên gia ước tính rằng kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ bao gồm hơn 9000 đầu đạn, cả loại sẵn sàng để sử dụng lẫn loại còn để dự phòng. Mỹ và Nga đã ký một hiệp ước giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược để mỗi nước phải hạ thấp con số này xuống còn chừng 2000, hạn chót là 2012.

Trong khi đó, cựu thượng nghị sỹ Sam Nunn, đồng chủ tịch tổ chức tư nhân có tên gọi là:Sáng Kiến Về Mối Đe Dọa Hạt Nhân, thẳng thắn lên tiếng chống đối việc quốc hội tài trợ cho loại đầu đạn hạt nhân mới.

Ông nói nếu như quốc hội chấp thuận cho chương trình này, thì ông xin nhấn mạnh rằng trong bối cảnh thế giới hiện nay, ông tin rằng chuyện này sẽ bị các đồng minh của Hoa Kỳ hiểu lầm, bị những nước chống đối Hoa Kỳ khai thác, và sẽ gây rắc rối cho công trình ngăn chặn sự lan tràn và sử dụng vũ khí hạt nhân, và làm cho sự thử thách trong việc đối phó với quyết tâm của Iran và Bắc Triều Tiên trong vấn đề vũ khí hạt nhân càng khó khăn thêm rất nhiều.