Trung Quốc, Ðài Loan tranh giành ảnh hưởng ngoại giao

Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Tăng Bồi Viên đang thực hiện chuyến công du vòng quanh khu vực Phía Nam Thái Bình Dương, bao gồm Australia, New Zealand, Vanuatu, và Papua New Guinea. Bắc Kinh đang có cuộc đấu tranh về ngoại giao với Đài Loan, là một nước có quan hệ khắng khít với một số đảo quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Sự hiện diện của một chính trị gia cao cấp như Phó Thủ tướng Trung Quốc ở khu vực Nam Thái bình Dương cho thấy tầm quan trọng của khu vực này đối với Bắc Kinh. Cuộc chạy đua để tranh giành ảnh hưởng về ngoại giao giữa Trung quốc và Đài Loan đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực Thái Bình Dương.

Đài Bắc đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 6 đảo quốc, kể cả Kiribati, Tuvalu, và quần đảo Solomon. Nước Cộng hòa nhỏ bé Nauru cũng vừa mở Đại sứ quán tại Đài Loan. Đài Bắc có quan hệ ngoại giao chính thức chỉ với 24 quốc gia trên thế giới.

Trung Quốc đã có quan hệ ngoại giao với 8 chính phủ ở khu vực Nam Thái Bình Dương, trong số này có hai đảo quốc lớn nhất là Fiji và Papua New Guinea.

Ông Joel Atkinson, một chuyên gia nghiên cứu của Đại học Monash ở Melbourne nói rằng cả Trung Quốc và Đài Loan đều dùng viện trợ để gây ảnh hưởng của mình.

Thực ra mọi việc Đài Loan tiến hành là một sự đáp ứng hoặc một nỗ lực để vượt trội những gì Trung Quốc thực hiện, và ngược lại Trung Quốc cũng thế. Nhiều lần cả Trung Quốc và Đài Loan đều cố gắng chạy đua với nhau để thiết lập hoặc duy trì quan hệ của mình ở khu vực này.

Các nhà phân tích tin rằng tiền bạc là động lực chính khiến chính phủ các nước ở khu vực Nam Thái Bình Dương ngả theo Trung quốc hoặïc Đài Loan, và các nước này có thể thay đổi lập trường của họ nếu được trả giá đúng.

Một vấn đề thiết yếu khác là việc khai thác các nguồn taiø nguyên dồi dào và phong phú về hải sản, khoáng sản, và gỗ.

Australia và New Zealand đều công nhận Trung Quốc, nhưng rất lo ngại về những tham vọng của Trung Quốc và Đài Loan đối với khu vực sân sau của họ. Australia và New Zealand đều e ngại rằng sự can thiệp và tiền bạc từ bên ngoài có thể làm rối ren một khu vực vốn đã bất ổn.

Sự cạnh tranh của Trung Quốc và Đài Loan đã trực tiếp ảnh hưởng đến sự ổn định về chính trị tại quần đảo Solomon, khi chính phủ bị phân chia hồi năm ngoái thành hai bên, một bên theo Bắc Kinh và bên kia theo Đài Bắc. Trung Quốc đã thuyết phục nước Vanuatu bỏ Đài Bắc để ngả sang Bắc Kinh, và việc này đã gây ra một sự thay đổi trong chính phủ, như đã từng xảy ra ở Papua New Guinea 7 năm trước đây. Vào năm 2003 nước Kiribati từ bỏ Trung quốc và quay sang Đài Loan.

Mặc dù hiện có những mối quan ngại từ cả hai phía Australia và New Zealand, nhưng cả hai nước này đều xem Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất. Phó Thủ tướng Tăng Bồi Viên đã đi thăm Australia và New Zealand trước khi đến thăm Vanuatu và Papua New Guinea.