Chứng khoán Việt Nam có thể sụt giá mạnh

Chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng vọt trong năm vừa qua, và các chuyên gia lo ngại rằng có thể sắp xảy ra hiện tượng sụt giá mạnh. Chính phủ đang cứu xét việc áp dụng các biện pháp kiểm soát lưu lượng tiền đổ vào và thoát ra từ Việt Nam trong cố gắng làm dịu thị trường. Các chuyên gia tài chính quốc tế thường chống lại việc kiểm soát vốn, nhưng lập trường này có thể thay đổi.

Tính đến đầu tháng này, các sàn giao dịch chứng khoán như của công ty này ở Hà Nội đầy nghẹt những người mua bán hàng ngày. Chỉ số chứng khoán Việt Nam gần như tăng gấp 4 lần kể từ đầu năm 2006, và dân chúng Việt Nam đua nhau mua cổ phần, ngay như không phải lúc nào họ cũng biết chắc là mình mua gì. Đó là ý kiến của cô Loan, một kế toán viên.

Phần lớn việc giao dịch được thực hiện trong các cổ phần được mệnh danh là “OTC” là những cổ phần thường không có sự quản lý và do những người giao dịch không có đăng ký bán ra. Nhà đầu tư OTC này nói rằng không có giấy tờ hay bảo đảm pháp lý nào chứng minh mình có thực quyền sở hữu các cổ phần đã mua.

Các chuyên gia tại các quỹ đầu tư quốc tế nói rằng chính họ cũng không thể nào xác định trị giá đích thực của các công ty Việt Nam, bởi vì các tập tục kế toán quá lỏng lẻo.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư danh mục chứng khoán đã đổ tiền vào chứng khoán Việt Nam. Trong năm 2006, lượng người nước ngoài tham gia thị trường tăng từ 6% lên tới 17%, và đến đầu tháng 3 thì đã tăng lên tới 19%.

Hồi tháng 2, Quỹ Tiền Tệ Quốc tế đã cảnh báo rằng tỷ lệ giá cổ phần với lợi nhuận của chứng khoán trung bình tại Việt Nam đã tăng lên tới 70 trên 1, tức là hơn gấp đôi tỷ lệ ở các nước Á châu khác có nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung quốc và Ấn Độ.

Một giới chức thuộc một cơ quan tài chính nhà nước Việt Nam yêu cầu không nêu danh tính nói rằng các hậu quả của một sự xuống giá đột ngột có thể rất nghiêm trọng.

Để ngăn ngừa hiện tượng này, chính phủ Việt Nam đã tỏ ý cho thấy có thể áp đặt một hình thức kiểm soát vốn nào đó, những biện pháp để ngăn chặn hoặc kéo chậm đà của lưu lượng tiền đổ vào và đi ra khỏi nước.

Trong thập niên 1990, các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc tế đã tỏ ý không bằng lòng về các biện pháp kiểm soat vốn. Các cơ quan này tán đồng việc tự do hóa thị trường vốn: tạo sự dễ dãi hơn để đầu tư ra vào. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu, thì các cơ quan này đã bắt đầu xét lại.

Ông Joseph Stiglitz là một nhà kinh tế đã đoạt giải Nobel và là kinh tế gia chính của Ngân hàng Thế giới vào lúc xảy ra vụ khủng hoảng đó. Ông đã đi đến chỗ tin rằng kiểm soát vốn có thể là một điều tốt, nhất là tại những thị trường nhỏ, đang phát triển, và ông nói rằng IMF đã từ từ chuyển theo hướng đó.

Năm 2003, kinh tế gia trưởng của IMF đã làm một bản báo cáo với kết luận rằng bằng chứng thực tế không cho thấy là việc tự do hóa thị trường tư bản có hiệu quả. Tự do hóa không góp phần thêm vào việc tăng trưởng, và cũng không dẫn đến việc tạo thêm ổn định, mà thực ra, nó còn có thể làm giảm sự phát triển và ổn định.

Nhưng các kinh tế gia khác cho rằng thành tích không đồng đều. Những nước không áp đặt các biện pháp kiểm soát tư bản trong thời gian khủng hoảng như Thái Lan thì đã phải chịu đựng tình trạng suy thoái kéo dài và gay go hơn những nước đã siết chặt kiểm soát như Malaysia. Nhưng sau khi hết thời kỳ suy thoái thì Thái Lan lại tăng trưởng nhanh hơn Malaysia là nước vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát.

Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển đã quyết định duy trì một hình thức kiểm soát nầo đó. Ông Stiglitz nói răng các biện pháp phổ biến nhất là những biện pháp được gọi là nhẹ nhàng, như tăng thuế đánh vào các khoản đầu tư ngắn hạn.

Kết quả là làm cho dân chúng bớt bỏ tiền vào hay lấy tiền ra một cách vội vã. Biện pháp kiểm soát không ngăn cấm, nhưng cũng ảnh hưởng đến động lực của họ.

Hiện chưa rõ Việt Nam có thể chọn biện pháp kiểm soát loại nào.

Hồi tháng 2, chính phủ đã bỏ ý định đòi phải giữ nguyên các khoản đầu tư trong ít nhất 1 năm. Các đề nghị hạn chế gay gắt việc cấp giấy phép cho các công ty đầu tư nước ngoài dường như đã bị hủy bỏ hồi giữa tháng 3 sau khi bị chỉ trích nặng nề.

Nhưng Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc tăng thuế đối với các khoản đầu tư ngắn hạn. Vào lúc khai mạc khóa họp Quốc hội tháng này, phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nêu vấn đề một cách kín đáo.

Những phát biểu như vậy có thể xoa dịu thị trường. VNINDEX đã bắt đầu sụt giá hồi đầu tháng này. Một diễn giả tại cuộc hội thảo về đầu tư ở Hà Nội mới đây tỏ ý trọng đợi thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sụt giá vào khoảng 30% trong tương lai có thể nhìn thấy.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ bài tường trình: