Ngày thứ Hai 26 tháng 3 đánh dấu kỷ niệm năm thứ 25 ngày lễ động thổ để xây Đài Kỷ Niệm Chiến Tranh Việt Nam ở thủ đô Washington. Vào thời ấy, năm 1982, bản thiết kế của kiến trúc sư Maya Lin đã gây nhiều tranh cãi, nhưng ngày nay, bức tường này được dư luận công chúng rộng rãi coi như một đài tưởng niệm có nét giản dị nhưng có khả năng gây nhiều xúc động. Quả vậy, Ðài kỷ niệm Chiến Tranh Việt Nam tại thủ đô của Hoa Kỳ đã trở thành một tiêu chuẩn mà các đài tưởng niệm khác thường được mang ra so sánh để được đánh giá. Thông tín viên Jeff Swicord của đài VOA đã tiếp xúc với nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam tại một cuộc họp mặt ở Washington mới đây, để yêu cầu họ nói về ý nghĩa của Đài Kỷ Niệm Chiến Tranh Việt Nam đối với cá nhân họ.
Đài Kỷ Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại thủ đô Washinghton được mô tả là một trong những đài tưởng niệm gây xúc động nhất và có ý nghĩa nhất đã từng được thiết kế.
Trong 25 năm qua, các cựu chiến binh Mỹ và du khách đến từ khắp nơi trên thế giới đã đến thăm Đài Kỷ Niệm này để tưởng nhớ và vinh danh những người đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Những cựu chiến binh như ông Steve Ryan, một y tá quân y trong những năm từ 1968 đến 1972. Đây là lần đầu ông Ryan đến thăm đài kỷ niệm này.
Đài kỷ niệm này gây xúc động mãnh liệt. Đài này cũng gợi lên nỗi buồn bã, thế nhưng đây là một xúc cảm tích cực bởi vì bức tường giúp cho tôi khép lại quá khứ. Trong nhiều năm qua, tôi đã từng thắc mắc chuyện gì đã xảy đến cho một số cứu thương từng phục vụ với tôi, sau năm 1968. Thì đây, tôi đọc được tên của một số người ấy trên bức tường này.
Hơn 58,200 danh tính đã được khắc trên bức tường đá hoa cương màu đen của đài kỷ niệm. Đây là nơi gặp gỡ của các cựu chiến binh đến từ khắp nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ, họ đến để tưởng nhớ và vinh danh những anh em đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Một số người, nét mặt suy tư, lặng lẽ dò tìm tên tuổi của những bạn bè và thân nhân. Những người khác, như ông Frank Stroble, thì trao đổi những mẫu chuyện kể với các cựu chiến binh khác. Ông Stroble từng là một phi công trực thăng phục vụ tại Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1970. Ông cho biết cảm nghĩ của ông về Đài Kỷ Niệm Chiến Tranh Việt Nam như sau:
Mỗi lần đến thăm đài là tôi không ngăn được nước mắt. Đài kỷ niệm này gợi lại vô số kỷ niệm bởi vì tôi nhận ra rất nhiều anh em có tên trên bức tường, khi đọc tên họ, tôi lại nhớ lại mỗi người, y như mới ngày hôm qua vậy.
Phần lớn những người tình nguyện phục vụ tại Đài Kỷ Niệm Chiến Tranh Việt Nam là cựu chiến binh, hoặc gia đình của những người mà tên tuổi đã được khắc trên bức tường. Họ có mặt để giúp hướng dẫn những người đến thăm đài. Họ giúp du khách tìm tên của người thân hay bạn be họ trong một quyển niên giám, họ giúp những người muốn in lại trên giấy những tên đã được khắc trên tường, hoặc họ có mặt để lắng nghe những cảm xúc của những người đến thăm đài. Ông Chuck Schueckler, một tình nguyện viên, cũng từng là một phi công trực thăng tại Việt Nam.
Sau chiến tranh, nhiều thân nhân nhận ra rằng những bạn bè đồng ngũ của người thân của họ, không muốn nhắc đến những người đã nằm xuống trong cuộc chiến. Thế cho nên, khi đến đây và tận mắt đọc tên của người thân trên bức tường này, sự có mặt của một người sẵn sàng nói chuyện với họ về tên người đã khuất, cho thân nhân cái cơ hội được nói lên những gì họ muốn nói.
Đài Kỳ Niệm Chiến Tranh Việt Nam đã được chọn để nhận Giải Kỷ Niệm 25 Năm do Viện Kiến Trúc Hoa Kỳ trao tặng. Giải này được trao cho một công trình kiến trúc có ý nghĩa vượt qua được thử thách của thời gian. Đối với đa số các cựu chiến binh như ông John Staggs, bức tường tại Đài Kỷ Niệm Chiến Tranh Việt Nam sẽ luôn luôn là một biểu tượng lâu dài của giá trị cơ bản nhất của Hoa Kỳ.
Tự Do. Tuyệt đối không có thắc mắc gì về điều này. Những người mà tên tuổi được khắc ghi trên bức tường đã hy sinh mạng sống của họ cho Tự Do, một giá trị căn bản trên đó đất nước này đã được xây dựng, một giá trị mà nhân dân Mỹ vẫn hằng tin tưởng.