Luật sư đụng độ với cảnh sát trong các vụ biểu tình ở Pakistan

Hàng ngàn luật sư Pakistan đã đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc để phản đối việc sa thải gây nhiều tranh cãi của chính phủ đối với vị thẩm phán hàng đầu của nước này. Các lực lượng an ninh đã bắt giữ hàng loạt người biểu tình khi đất nước này đang bước vào tuần khủng hoảng chính trị thứ hai.

Hàng ngàn luật sư và các nhà hoạt động đối lập đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố trên khắp Pakistan hôm thứ tư.

Cảnh sát ở Lahore đã bắt giữ hơn một trăm người trong các vụ bắt giữ mà các giới chức ở nước này gọi là các vụ “ngăn chặn trước” để duy trì trật tự công cộng.

Các giới chức an ninh ở thành phố Quetta, miền nam nước này cũng đã đụng độ với những người biểu tình khiến nhiều người bị thương.

Kể từ khi Tổng thống Pervez Musharraf đình chỉ công tác của vị chánh án tối cao pháp viện hai tuần trước đây, vì các cáo buộc không cụ thể rằng ông đã lạm dụng quyền hạn, thì hầu như ngày nào cũng diễn ra những cuộc biểu tình.

Phong trào biểu tình bất ngờ đã thổi bùng lên những lời phỏng đoán rằng tướng Musharraf đang mất dần quyền kiểm soát đất nước sau hơn 7 năm cầm quyền trong đó có những giai đoạn mà ông đã áp dụng những luật lệ mạnh tay.

Các phân tích gia chính trị nói rằng việc đình chỉ vị chánh thẩm đã trở thành một lời kêu gọi đoàn kết của các nhà đối lập phản đối chính phủ do quân đội hậu thuẫn.

Các giới chức chính phủ thừa nhận rằng Tướng Musharraf có thể đã không lường trước được rằng vụ sa thải vị chánh thẩm có thể gây nên một làn sóng tranh cãi, và hiện ông đang tìm cách thoát ra khỏi thế bế tắc này.

Tuy nhiên phát biểu với các phóng viên trong cuộc biểu tình hôm thứ tư, nhà đối lập chính trị Imran Khan nói rằng tổng thống còn rất ít lựa chọn, bởi sự tức giận của công chúng vẫn tiếp tục tăng cao.

Chẳng có cách nào để ông ấy thoát ra khỏi tình thế này. Nếu ông ấy phục hồi lại chức vụ cho vị chánh thẩm, thì ông ấy sẽ sụp đổ, bởi lần đầu tiên sẽ có một vị chánh thẩm có quyền lực. Vì vậy, ngay lập tức sẽ có kiến nghị hiến định chống lại nhà độc tài quân nhân này. Nếu ông ấy sa thải vị chánh thẩm, thì ông ấy cũng sẽ bị sụp đổ, bởi quí vị có thể thấy phong trào biểu tình chỉ mới bắt đầu và phong trào này sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Tổng thống Musharraf cáo buộc phe đối lập đã chính trị hóa vấn đề này, và nói rằng ông là nạn nhân của một âm mưu.

Các cuộc tranh cãi nổ ra khi Pakistan sắp tiến hành bầu cử quốc hội, dự kiến sẽ được tổ chức trong vòng 1 năm.

Những người ủng hộ tổng thống cho biết ông đang tìm cách để được quốc hội hiện hành bầu lại, trước khi ông kêu gọi mở các cuộc bầu cử, một hành động mà phe đối lập gọi là vi hiến và sẽ bị thách thức tại Tối Cao pháp viện.