Ngày Phụ Nữ Quốc Tế mùng 8 tháng 3 đánh dấu quá trình tranh đấu của nữ giới để có bình đẳng, công lý, hòa bình và phát triển. Đối với nhiều phụ nữ tại một số nước, đó cũng là ngày ăn mừng tiến bộ. Đối với nhiều phụ nữ tại một số nước khác, đó cũng là ngày nhắc họ biết cuộc tranh đấu của họ vẫn còn dài.
Nguyên tắc bình đẳng giữa nam giới và nữ giới đã ăn sâu vào gốc rễ của Hồi giáo. Đấng Tiên tri Muhammad, giáo chủ của đạo hồi, đối xử đồng đều giữa nam và nữ. Con cái của Ngài đều là phụ nữ và Ngài chủ trương phải tôn trọng nữ quyền. Ngài đã từng dạy rằng của hồi môn phải được trao thẳng cho cô dâu, thay vì người cha hoặc người giám hộ. Và Ngài cũng đặc biệt bảo vệ những góa phụ và trẻ mồ côi.
Bà Mishkat al-Moumin, một học giả tại viện nghiên cứu rung Đông ở Washington nói rằng cách diễn giải về nguyên tắc bình đẳng đó đã thay đổi:
Sau đó, khi Đấng Tiên tri Muhammad qua đời, người ta đưa ra nhiều lối diễn giải khác nhau, và một lần nữa nguyên tắc đó lại quay trở về chuyện kiểm soát xã hội. Nếu muốn kiểm soát xã hội, nếu muốn kiểm soát gia đình, thì ta phải kiểm soát phụ nữ.
Ngày nay, phụ nữ Hồi giáo đang hành động để phá bỏ những hạn chế đối với họ. Bà Al-Moumin nói rằng sức mạnh kinh tế và xã hội là chìa khóa giúp thăng tiến phụ nữ tại các nước Hồi giáo.
Ta không thể trông đợi một phụ nữ mạnh dạn lên tiếng nếu bà ấy không làm ra tiền, không có tiền để nuôi gia đình. Có quá nhiều người góa chồng và ly dị. Họ phải lo nuôi cả gia đình, có khi 3 hoặc 4 đứa con. Nếu không có chương trình xã hội hoặc kinh tế nào để giúp họ, thì họ cũng khó lòng sinh sống.
Giáo dục cũng là một lĩnh vực khác mà phụ nữ Hồi giáo bị thua sút. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy trong năm 2005, có hơn 75 triệu phụ nữ ở Trung Đông và Bắc Phi, tức là một thành phần khá đông đảo tại các nước Hồi giáo, không biết đọc biết viết.
Bà Wadeer Safi, giáo sư trường đại học Kabul ở Afghanistan, nói rằng nạn mù chữ cũng là một vấn đề nghiêm trọng tại Afghanistan:
Vấn đề then chốt trước mắt của các nữ sinh viên tại Afghanistan là trình độ học vấn, vấn đề này thấy đầy rẫy tại Afghanistan.
Bà Mishkat al-Moumin nói rằng các thiếu nữ không được học hành khi lớn lên sẽ trở thành những bà mẹ thiếu chuẩn bị, và thường thiếu kiến thức về việc nuôi dạy con cái. Tình trạng đó khiến họ thiếu bản lĩnh để đối phó với những vấn đề hiện nay, như nạn ma túy, tội ác và thái độ tôn giáo cực đoan.
Khi một phụ nữ đau khổ thì cả gia đình cũng khổ theo. Đó là lý do tại sao các quyền của phụ nữ rất quan trọng. Các quyền đó không chỉ liên quan đến phụ nữ. Nó liên quan đến cả gia đình.
Tại các quốc gia Hồi giáo, phụ nữ thăng tiến các quyền của mình theo mức độ khác nhau. Ở Ả rập Saudi, cái nôi của Hồi giáo, nới mà phụ nữ không được đi bầu, không được lái xe, thì quyền của phụ nữ đang được thực hiện chậm hơn.
Bà Munira Nahid, một nhà xã hội học tại nước này cho biết:
Phụ nữ người Ả rập Saudi, vì có những hạn chế, vì có sự bất bình đẳng về cơ hội trong xã hội, cho nên đã trở thành những nhà tranh đấu giỏi, và đã lập nhiều thành tích khá.
Quyết tâm đó không phải chỉ thấy xảy ra tại Ả rập Saudi. Tại các nước Ả rập khác, phụ nữ đã bắt đầu có tiếng nói trên chính trường.
Tại Iraq, phụ nữ đang giữ nhiều chức vụ trong chính quyền. Tại Kuwait năm ngoái, phụ nữ đã đi bầu và lần đầu tiên ra ứng cử vào Quốc Hội và các Hội đồng địa phương. Tại Bahrain, năm ngoái nhà vua nước này đã bổ nhiệm một nữ thẩm phán đầu tiên, tạo điều kiện cho bà đứng vào đội ngũ các nữ thẩm phán của Jordani, Libăng, Iran và nhiều nước Hồi giáo khác.
Một số ít phụ nữ, trong đó có bà Benazir Bhutto ở Pakistan, đã lãnh đạo chính phủ. Tuy nhiên, con đường trước mặt của họ vẫn còn dài.